Chuyện ly kỳ ở Thảo Cầm Viên: Bé gấu trong căn phòng carton

Vào một sáng cuối năm 2020, Thảo Cầm Viên nhận tin vui khi gấu mẹ đã hạ sinh một bé gấu cái sau mấy chục năm sống tại đây. Đây là trường hợp hiếm hoi gấu có thể sinh sản tự nhiên trong môi trường nuôi nhốt.

Nhân viên sở thú đặt tên cho bé gấu là Noel vì nó được sinh gần đêm Giáng sinh. Sau một tiếng quan sát hai mẹ con nhà gấu, nhân viên xí nghiệp động vật (XNĐV) của Thảo Cầm Viên nhận thấy gấu mẹ có dấu hiệu không có khả năng nuôi con nên đã đưa Noel ra ngoài chăm sóc.

Biến văn phòng thành… phòng đẻ

Trước đó, nhân viên XNĐV nhận thấy gấu mẹ bị stress nặng sau sinh và thường xuyên gắp Noel đi khắp chuồng. Răng của gấu mẹ dài và sắc khiến Noel bị trầy xước khắp cơ thể. Gấu mẹ cũng không cho con bú. Noel bị bỏ đói, khàn tiếng vì kêu quá nhiều.

Sau khi xin ý kiến từ Ban quản lý Thảo Cầm Viên, nhân viên XNĐV đưa Noel ra ngoài sau và chăm sóc theo hình thức nuôi bộ (nuôi hoàn toàn không bằng sữa mẹ). Noel nằm trong “căn phòng nhỏ” được làm từ thùng carton có lót khăn mềm, phía trên là đèn sưởi ấm. Anh Nguyễn Bá Phú, Phó Giám đốc XNĐV, là một trong những nhân viên chăm sóc Noel từ khi nó mới được sinh ra đến nay.

Sở dĩ nhân viên XNĐV sử dụng thùng carton là bởi nó có khả năng giữ nhiệt tốt. Thùng carton khá mềm, Noel sẽ không bị đau khi dùng móng cào vào thùng. Khăn lót được các anh thay hằng ngày, đảm bảo cho chỗ ngủ của Noel luôn ấm áp, sạch sẽ. “Nhìn không gian của văn phòng XNĐV giờ không khác gì phòng của bà đẻ. Sữa thì đủ loại và khăn được treo khắp nơi” - anh Phú cười.

Mỗi ngày Noel uống năm cữ sữa, cách 3 tiếng một lần vào ban ngày và 5 tiếng một lần vào ban đêm. Những ngày đầu khi vừa được tách khỏi mẹ, Noel không biết núm vú là gì, thể trạng lại yếu hơn những con khác. Nhân viên XNĐV phải dùng loại núm vú nhỏ chuyên dùng cho thú mới sinh. Lúc đó Noel bú rất ít, mỗi lần chỉ khoảng 2-3 ml.

Anh Phú chia sẻ: “Chúng tôi phải cẩn thận khi cho Noel bú sữa. Lượng sữa chỉ tính bằng giọt nhưng nếu không chú ý, gấu con có thể bị sặc sữa dẫn đến viêm phổi, nghiêm trọng có thể chết. Người chăm gấu con phải là những anh em cực kỳ kinh nghiệm để đảm bảo Noel tiếp xúc đúng với nguồn sữa công thức, phát triển bình thường. Thao tác kỹ thuật lúc cho gấu con bú sữa phải chuẩn để hình thành thói quen bú sữa”.

“Công chúa” Noel ngoan ngoãn bú sữa trong vòng tay chăm sóc của anh Phú. Ảnh: KHÁNH CHI

Trước khi Noel uống sữa, một tay anh xoa nhẹ ở bụng và lưng Noel, tay kia vừa ôm Noel vào lòng vừa cầm khăn để cho đi vệ sinh. Anh nói làm như vậy để tập thói quen cho Noel đi vệ sinh trước khi ăn, giúp chỗ nằm luôn sạch sẽ. Có những lần nhân viên phải mất đến 15 phút để cho Noel đi vệ sinh.

Trong khi Noel uống sữa, anh Phú cũng dùng khăn lau miệng cho Noel như chăm sóc em bé. Sau khi Noel uống xong thì anh massage, vuốt lưng cho Noel khoảng 5-10 phút nhằm kích thích vận động, tiêu hóa tốt và tạo mối liên hệ giữa gấu con với người chăm sóc. Anh cho biết nếu nuôi tốt thì khoảng một năm sau, Noel vẫn thân thiện với người nuôi.

“Massage trước khi ăn và vuốt lưng sau khi ăn xong để thay cho việc gấu mẹ liếm lông làm sạch cơ thể gấu con. Vì gấu mẹ không thể nuôi con nên chúng tôi luôn làm hết sức để việc nuôi dưỡng Noel gần giống như trong tự nhiên nhất” - anh Phú kể. Đến nay Noel đã có thể uống 35-40 ml sữa/lần.

Vạch kế hoạch kỹ lưỡng cho tương lai Noel

Lúc mới sinh, Noel nặng 451 g, thân đầy vết thương vì bị mẹ gắp, tha đi khắp chuồng. Noel từng bị vẩy, bong tróc da do mất nguồn sữa mẹ ban đầu, vết thương ở chân Noel cũng ảnh hưởng đến những bộ phận khác. Qua sự chăm sóc của nhân viên XNĐV, đến nay Noel đã nặng 1,2 kg và hoàn toàn khỏe mạnh. Mỗi ngày “cô công chúa nhỏ” ngủ trong “căn phòng” ấm áp bằng bìa carton lót khăn, dưới ánh đèn sưởi ấm.

Đây là lần đầu tiên nhân viên XNĐV nuôi một bé gấu sơ sinh. Từ công đoạn làm ổ, chọn sữa, chăm sóc gấu con đều dựa vào kinh nghiệm chăm sóc những loại thú trước đó và trao đổi với các sở thú nước ngoài.

Hiện tại, sữa của Noel được bổ sung vitamin E tốt cho thị lực. Bước vào giai đoạn 4-5 tuần tuổi, sữa sẽ được bổ sung canxi và vitamin D cần thiết cho vận động. Tùy vào tình hình sức khỏe của Noel, các nhân viên sẽ bổ sung dưỡng chất phù hợp cho từng giai đoạn.

Anh Phú tâm sự: “Chăm sóc cứu hộ động vật là công việc nhưng lại xuất phát từ tình thương động vật của toàn bộ nhân viên. Không có tình cảm thì mọi thứ chỉ dừng ở mức độ công việc. Chúng tôi thương nó như con và thấy vui vì Noel lớn lên khỏe mạnh từng ngày”.

Noel ngủ ngoan trong căn phòng carton ấm áp của mình. Ảnh: KHÁNH CHI

Trong thời gian tới, nhân viên XNĐV sẽ cùng chơi với Noel để nó tập vận động, tập ăn thịt. Theo lý thuyết, Noel sẽ được đưa ra chuồng sống riêng để tập quen với môi trường sống khi được 6-9 tháng tuổi và có thể tự ăn thịt.

Tuy vậy, XNĐV sẽ dựa vào sự phát triển của Noel, đồng thời liên hệ với những đơn vị chuyên chăm gấu để xem xét thời gian chuyển ra chuồng phù hợp. Việc chuyển gấu con ra chuồng sống riêng được mọi người xem xét kỹ lưỡng vì nó tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Sau tối thiểu 2-3 năm, Noel mới đạt kích thước và sinh hoạt như gấu trưởng thành. Lúc đó XNĐV sẽ lên kế hoạch ghép Noel với một hoặc một vài con trong bầy để sống chung.

“Nhiều người lo rằng nuôi bộ gấu quá lâu sẽ khiến chúng mất đi tập tính tự nhiên. Vì vậy, chúng tôi luôn cố để Noel sinh trưởng bình thường, duy trì tập tính tự nhiên của thú chứ không nuôi thành vật nuôi. Chúng tôi chọn lựa nuôi bộ để cứu sống, duy trì sinh mạng gấu con. Những yếu tố khác dường như không còn quan trọng” - anh Phú nói.

Kỳ tới: Nỗi buồn của con vạc lẻ bầy


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm