8 giờ 17 phút là những dòng chữ nguệch ngoạc được ông Nguyễn Văn Châu ghi trên cột đèn tín hiệu giao thông tại trạm gác chắn đường sắt Hãng Dầu trên đường Nguyễn Thành Phương (phường Thống Nhất, TP Biên Hòa) ngày 12-2. Dòng chữ duy nhất ông viết tại cột đèn trong suốt hơn 5 năm bán vé số tại khu vực này. Bởi đó là lần đầu tiên ông chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng mà cái kết sau đó không ai ngờ như phim cổ tích.
Buổi sáng hôm ấy cũng như bao ngày bình thường khác. 8 giờ 15 sáng 12-2, những tia nắng gắt của một ngày mới bắt đầu đổ xuống, mặt đường bỏng rộp.
Đoàn tàu Bắc Nam rầm rập lao tới. Chỉ còn cách trạm vài chục mét, một cảnh tượng thót tim khiến nhiều người nín thở: cụ bà lớn tuổi chẳng biết sao lẻn qua gác chắn, lừng lững bước qua đường. Nhưng khi tới đường ray xe lửa, cụ bất ngờ vấp té, mặt đập xuống đường, cả người vắt ngang trên đường ray xe lửa.
Cụ bà nằm im, không cử động được. Tiếng còi tàu như giục giã, tiếng bánh ken két rầm rập trên đường ray ngày một rõ, báo hiệu đoàn tàu đang tới rất gần. Những tiếng la hét của người chờ tàu vang lên. Có người không dám mở mắt nhìn. Thôi xong rồi… Đoàn tàu cách cụ bà đang nằm bất động trên đường ray khoảng năm chục mét.
"Rồi vèo cái, cô nhân viên gác chắn bỏ cờ hiệu lao tới bà cụ, rồi thêm một cô nữa, cả hai ôm bà cụ ngã xèo sang một bên, cả ba nằm đó. Đoàn tàu chạy qua. Chân mỗi người cách đường ray chút xíu. Hú hồn. Cụ bà thoát chết trong gang tấc. Tôi nhìn vội vào điện thoại, đúng 8 giờ 17 phút", ông Nguyễn Văn Châu kể.
"Tôi cầm bút, viết luôn lên cột đèn tín hiệu giao thông”, nói thêm. Vuốt vuốt giọt mồ hôi chảy dài trên gò má đen xạm, người đàn ông bán vé số chạy vội lại chỗ cột đèn chỉ cho chúng tôi nhìn thấy những nét chữ ông đã ghi lại. Nhớ lại ngày hôm ấy, ông và những người dân nơi đây vẫn còn lạnh sống lưng.
4 giờ sáng ngày 15-2, từ TP.HCM, chúng tôi chạy xe hơn 30 cây số về Đồng Nai, xin một ngày được theo chân các chị. Gặp trực tiếp mới ngỡ ngàng, hai người phụ nữ dệt nên câu chuyện cổ tích khiến cộng đồng mạng những ngày qua rất thán phục hoá ra nhỏ bé và dịu dàng đến vậy.
6 giờ sáng, chị Minh và chị Lan đã có mặt tại trạm với trang phục gọn gàng quen thuộc. Một lát, điện thoại reo, báo chuyến tàu đầu tiên của ngày sắp đi qua. 6 giờ 20 phút, chẳng cần ai bảo ai, mỗi người một việc. Đèn tín hiệu chớp đỏ liên tục yêu cầu người đi đường dừng lại. Hai chị thoăn thoắt đẩy thanh chắn barie, khóa chắn, phất cờ báo hiệu… Hơn 2 phút sau, khi đoàn tàu đã đi qua, thanh chắn lại được kéo về vị trí cũ để người đi đường lưu thông dễ dàng.
Khoảng chừng 15 phút lại có một chuyến tàu qua. Công việc của hai chị tuần hoàn lặp đi, lặp lại như vậy. Chỉ có mặt trời càng lên cao, hơi nóng hầm hập như muốn nướng chín tất cả.
Lấy tay áo lau vột giọt mồ hôi trên trán, chị Minh kể chuyện mỗi ca trực của các chị kèo dài 12 tiếng, từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều, và từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. “Ngày Tết, lượng tàu ra vào đông hơn, như đêm hôm qua đến 23 chuyến. Ngày cao điểm phải đến 27-28 chuyến. Ngày bình thường thì 16-17 chuyến”, chị Minh chia sẻ.
Nhắc lại câu chuyện cứu cụ bà ngày hôm ấy, hai chị xua tay bảo đó là việc làm rất bình thường. Hai chữ “người hùng” mà người ta gọi, hai chị không dám nhận.
“Có người thắc mắc tại sao không ngăn cụ từ đầu. Ở đây, có biển báo tín hiệu giao thông đèn đỏ yêu cầu người, phương tiện phải dừng lại khi có tàu qua, đèn báo liên tục. Rào chắn đã kéo hết đường, thấy cụ đi tới, tôi đã nhắc cụ: Tàu sắp tới rồi, cụ đừng qua nữa. Nhưng không hiểu sao cụ vẫn bước rồi qua được. Lúc thấy cụ vấp té nằm đó, chẳng kịp nghĩ gì, chỉ theo bản năng chạy tới phải kéo cụ thoát khỏi đường ray. Nếu còn đứng nghĩ, chắc không kịp với vận tốc lao đến của tàu. Mà cụ nặng quá, tôi và chị đồng nghiệp chạy đến mới kéo cụ ra khỏi", chị Lan nói.
“Lúc tàu chạy qua rồi mới biết mình còn sống, giờ nghĩ lại vẫn còn run. Nhưng quay lại thời điểm đó, chúng tôi vẫn sẽ làm như thế . Ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ làm như vậy thôi. Lúc đó chỉ nghĩ cứu người chứ đâu nghĩ giờ rùm beng như bây giờ.”, chị Minh lắc đầu cười.
“Không chỉ mỗi mình mình mà rất nhiều anh chị làm trong nghề đều như vậy, do đặc thù công việc, nên không thể về quê đón Tết cùng gia đình. Cái Tết đầu tiên xa nhà, mình vẫn nhớ như in. Hồi đó, đâu đã có người yêu. Đêm giao thừa trực, nên mình phải gọi điện chúc Tết gia đình từ trước. Điện thoại hồi đó cũng không phổ biến như bây giờ, ở nhà bố mẹ chỉ dùng điện thoại bàn. Gọi về nói được vài ba câu: nhà chuẩn bị Tết xong chưa, có chuẩn bị gì đón giao thừa không, con khỏe, chúc vội vài câu rồi cúp máy, sợ khóc bố mẹ lo”, chị Minh bật cười nhớ lại.
12 năm đón Tết trên đường ray xe lửa, những tưởng đã quen, ấy vậy mà phút giao thừa đến, chị và mọi người cũng không khỏi bùi ngùi.
Còn với chị Lan, người có hơn 10 năm gắn bó với nghề, đây là cái Tết thứ 7 chị Lan không thể về quê ăn Tết. Chị cười bảo nhớ cái Tết đầu tiên xa nhà ở lại trực, gọi điện về cho bố mẹ ở quê, chị khóc luôn. Chẳng ai ngờ, cô gái Nam Định anh hùng, dũng cảm cứu người ngay trước mũi tàu gây xôn xao cộng đồng mạng mấy ngày nay lại có những lúc yếu lòng đến vậy. Thì Tết mà, ai chẳng muốn được về quê, sum họp bên mâm cơm gia đình…
Vất vả của những nhân viên gác chắn như các chị là phải thức đêm hôm, đi lại liên tục, nắng mưa thất thường,… Nhưng bù lại, công việc cũng chính là ông tơ bà nguyệt mang lại cho họ những niềm vui không nhỏ.
Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh đều là người trong ngành. Cuộc sống hiện tại dù còn khó khăn vất vả, họ cùng con nhỏ sống trong khu tập thể của công ty nhưng bù lại vợ chồng yêu thương nhau. Anh rất tâm lý và thương vợ. Mấy bữa rồi, thấy báo chí, trên mạng đưa tin ầm ầm về chị, về anh chọc bảo giờ chị nổi tiếng rồi, sợ mất vợ ghê.
Câu chuyện tình của chị Lan cũng ngọt ngào lãng mạn chẳng kém. Thời gian trực mỗi ca đã 12 tiếng, thời gian để yêu đương hẹn hò của những cô gái làm trong ngành đường sắt cũng vì vậy mà hiếm hoi, hạn chế hơn. Ấy vậy mà, những lần dừng chân đợi tàu qua, dù chỉ vài phút ngắn ngủ thôi cũng đủ khiến chàng trai say nắng cô nhân viên gác chắn tàu.
Những lần đi qua gác, thấy Lan chăm chỉ, dễ thương, anh dừng lại đùa dăm ba câu. Người thanh niên không ngờ có ngày lại trót thật lòng thương cô gái ấy. Ngày xưa có câu: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh”
Ngày ấy anh chọc, cô cũng lém lỉnh chẳng kém mới đùa lại: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò/Xuống đây mà đẩy gác chắn với em”. Cứ tưởng bông đùa thôi, ai dè, anh dắt xe vào lề, thoăn thoắt chạy ra đẩy gác chắn với cô thật. Lan tá hỏa từ chối, nhưng trong lòng không khỏi có chút ngọt ngào len lỏi. Cái nắng Biên Hòa cũng bớt phần gay gắt vì có anh. Rồi cứ vậy, tình yêu nhẹ nhàng đến với hai con người xa lạ. Hiện tại, hai vợ chồng đã có một thiên thần nhỏ rất dễ thương.
Cụ là P.T.C (77 tuổi), người dân sống ngay gần đây. Hỏi thăm cụ sao hôm bữa vượt đường tàu khi thanh chắn barie đã được kéo, cụ liên tục cười lắc đầu chẳng hiểu sao lại làm vậy. Cụ bảo nhà cụ gần đấy, bữa đó muốn qua đường, nghĩ tàu chưa tới thì cụ cứ thế cụ qua thôi, khỏi phải đợi. Đâu dè…
“Bữa không biết khùng sao vượt qua đó. Không có hai cô chắc chết rồi. Giờ khùng sao vượt nữa, tui chừa rồi”, cụ bà cười khà khà nói, tay phe phẩy bịch dưa bước về nhà.
Bà cụ C thì đã chừa không dám vượt ẩu, nhưng còn rất nhiều người “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Có mặt gần một ngày tại trạm gác, không dưới ba lần, chúng tôi thót tim khi thấy người dân hồn nhiên dắt xe, hoặc phóng vụt qua khi những thanh chắn đã được kéo lại gần sát.
“Ở trạm này, không được để người dân chờ quá ba phút, thời gian dừng lại chờ tàu qua chỉ tầm hơn 2 phút thôi. Nhưng vẫn có nhiều người không chờ được. Họ tìm mọi cách vượt qua, người nhảy qua gác chắn, người thì leo trèo qua. Có người khi chúng tôi nhắc nhở họ còn quay lại quát mắng: “Tàu đã tới đâu mà kéo”, thậm chí là chửi thề: “Mày không thấy bố mày qua sao mà kéo, tránh đường cho bố mày đi”…”, chị Minh cười buồn.
Ớn nhất là gặp người say xỉn. Các chị đang kéo thanh chắn nhằm đảm bảo an toàn cho người đi đường, ấy vậy mà mặc đèn báo giao thông yêu cầu dừng lại, mặc thanh chắn, họ vẫn đâm sầm xe vào. Có nhân viên gác chắn bị tông chảy máu, rách trán phải đi khâu, trên trán vẫn còn vết sẹo nhỏ dù đã dùng bao nhiêu thuốc cũng không mờ được. Có người bị giãn giây chằng phải điều trị cả tháng.
Ngay sau khi câu chuyện được lan tỏa, nhiều ban ngành, đoàn thể đã đến khen thưởng hai nữ gác chắn Nguyễn Thị Minh (35 tuổi, ngụ Hà Tĩnh) và Đỗ Thị Lan (32 tuổi, ngụ Nam Định) vì đã dũng cảm cứu bà cụ bị ngã ở đường ray khi đoàn tàu đang lao tới.
Đại diện Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn, Ông Trần Hữu Chiến, Giám đốc Công ty đã trao giấy khen và thưởng mỗi nhân viên 2 triệu đồng. Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Đảng, Phó giám đốc - Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn, cũng có phần quà trao tặng.
Phía tỉnh Đồng Nai ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai, đã trao giấy khen cùng số tiền mỗi người 1 triệu đồng của Ban ATGT tỉnh để biểu dương hai nữ nhân viên.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng vừa có thư khen 2 nữ nhân viên của công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn. Bộ trưởng đề nghị Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn kịp thời có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với 2 nữ nhân viên để hành động tốt đẹp này lan tỏa vì mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên toàn quốc.
Nhưng với hai chị, niềm vui lớn nhất chính là cứu được tính mạng một con người, là giấc ngủ ngon hơn sau một ca làm việc vất vả, là những ngày đầu năm mới đã làm được một việc tốt, là khi lòng cảm thấy an yên…. “Chúng tôi cứu người không phải để được khen thưởng mà đó là bản năng con người. Mong bà con khi thấy đèn hiệu, thanh chắn đã đẩy ra thì dừng lại, đừng ráng vượt qua. Đừng để nhanh vài giây rồi phải hối hận”- chị Đỗ Thị Lan nhấn mạnh.
Chúng tôi rời trạm gác, hai nữ nhân viên lại lao về phía gác chắn sau cú điện thoại thông báo tàu sắp đến. Bổng vọng lại từ xa tiếng gọi to của một người dân đang chờ tàu bên kia rào chắn “Hai cô gác chắn anh hùng ơi, ơi.”