Trước dư luận xôn xao về việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa được Bộ GD&ĐT cấp phép mở đào tạo ngành y và ngành dược chính quy. Ngày 28-11, trường đã tổ chức gặp gỡ báo chí để trao đổi những thông tin về lý do mở ngành của nhà trường.
Nhân lực ngành y còn thiếu
GS Trần Phương bắt đầu cuộc trao đổi với lý giải việc một trường ĐH mở ngành mới là việc hết sức bình thường. Trường ĐH Kinh doanh công nghệ là trường phi lợi nhuận, mục đích là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, không mong có lợi nhuận khi mở ngành đào tạo cho con em.
“Lý do trường mở ngành y là do nhà trường nhận thấy nhân lực ngành y còn thiếu rất nhiều. Hiện nay mới chỉ có tám bác sĩ/vạn dân. Các nước tiên tiến trên thế giới 40 bác sĩ/vạn dân. Còn dược sĩ thì chỉ có 1,5 dược sĩ/vạn dân. Điều chúng tôi quan tâm là đất nước cần nhiều bác sĩ, dược sĩ hơn” - ông Phương nói.
Ông Phương khẳng định động cơ mở ngành không vì mục đích lợi nhuận, kinh doanh mà muốn bổ khuyết những thiếu sót trong chăm sóc sức khỏe người Việt Nam và đào tạo dược sĩ để khai thác nguồn dược liệu sẵn có trong nước.
Những dụng cụ thực hành giải phẫu tại phòng giải phẫu của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ. Ảnh: Huy Hà
Thừa nhận không đủ giảng viên và thiết bị
Theo GS Trần Phương, chương trình đào tạo ngành y, ngành dược đều do những chuyên gia đầu ngành, có nhiều năm kinh nghiệm trong đào tạo y dược thẩm định.
Chủ nhiệm khoa y là GS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Chủ nhiệm khoa dược là GS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, có 20 năm dạy ở trường dược.
Tuy nhiên, ông Phương thừa nhận theo quyết định của Bộ Y tế, muốn mở ngành y đa khoa phải có 50 giảng viên thì trường mới đáp ứng được 47 giảng viên (thiếu ba giảng viên), trong đó có 15 giảng viên cơ hữu, các giảng viên còn lại có hồ sơ cam kết làm việc tại trường.
Đối với khoa dược, ngoài hai lãnh đạo khoa thì trường đã mời được 16 giảng viên cơ hữu, ngoài ra có 13 giảng viên có hồ sơ cam kết làm việc tại trường.
“Chúng tôi thừa nhận là chưa đủ thật nhưng để dùng 50 vị thì sáu năm sau mới dùng đến hết, trả lương mà không giảng thì ai thèm nhận. Chúng tôi chuẩn bị nhân sự hai năm trước mắt dần dần sẽ chuẩn bị tiếp. Không có lý gì mà chúng tôi mời được 47 GS, TS mà không mời thêm được ba giảng viên nữa” - ông Phương giải thích.
Về trang thiết bị ông Phương cũng thừa nhận là chưa đủ nhưng theo giải thích của ông Phương mua đủ mà 5-6 năm nữa mới dùng thì hỏng. Nên nhà trường đã ký hợp đồng với các công ty cung cấp, khi cần thì họ mang đến ngay. Hiện tại trường đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị dùng cho hai năm đầu. “Chưa thật đầy đủ điều kiện đó là theo ý nghĩa đó, chứ không phải là chúng tôi thiếu điều kiện” - ông Phương nói.
Người bệnh mô hình trong phòng giải phẫu trường ĐH Kinh doanh công nghệ. Ảnh: Huy Hà
Liên quan đến cơ sở thực hành, ông Phương cho biết trường đã ký hợp đồng với bốn BV hạng 1 để sinh viên đến thực tập, các BV đều nhận lời và cử giáo viên hướng dẫn. Ngành dược trường cũng đã ký hợp đồng với bốn công ty dược để cử sinh viên tới thực tập.
Nhà trường cũng đang tiến hành các công việc để mở phòng khám đa khoa và tiến tới là mở BV thực hành. Trưởng phòng khám là Trung tướng Chu Tiến Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quân y.
“Còn về việc học y phải có nhà xác để giải phẫu người, không phải trường nào cũng có nhà xác để mổ. Trường đã có mô hình và tranh ảnh để giải phẫu mà không cần nhà xác” - ông Phương nói.
Ông Phương khẳng định nhà trường đã đầu tư 28 phòng thí nghiệm, thực hành với tổng kinh phí 80 tỉ đồng.
Ông Phương cũng băn khoăn nhiều trường ngoài công lập cũng được cấp phép mở ngành y, như ĐH Duy Tân nhưng tại sao dư luận không thắc mắc.
Mô hình giải phẫu người
20 điểm là được rồi
Chia sẻ về việc mức điểm nhận hồ sơ vào ngành y là 20 điểm có quá thấp không, GS Trần Phương khẳng định 20 điểm đối với học sinh phổ thông phải học nghiêm túc mới được 20 điểm, học phất phơ không thể đạt 20 điểm.
“Cho nên tôi cho rằng đầu vào 20 điểm là được rồi, là chọn được sinh viên nghiêm túc và học được. Vấn đề là quá trình học và quá trình đào tạo của nhà trường. Còn giỏi hay không là quá trình nỗ lực và phấn đấu của sinh viên trong học tập và giảng dạy nữa” - ông Phương nói.
Theo ông Phương, sinh viên học bốn năm phải trải qua ít nhất 50-60 kỳ thi, mới đạt đầu ra có tốt nghiệp không. Chỉ cần một học phần chưa đỗ là chưa được tốt nghiệp.
“Chúng tôi không coi nhẹ đầu vào nhưng tôi cho rằng đầu vào tương đối thôi. Nhưng quyết định là đào tạo và quá trình học tập. Chúng tôi không coi nhẹ đầu vào nhưng coi đầu vào không quan trọng bằng đầu ra, giáo dục ĐH là như thế” - ông Phương nói.