Trường ĐH kinh doanh đào tạo bác sĩ: Ổn không?

Thông tin Trường ĐH tư thục Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo ngành y đa khoa và dược học trình độ ĐH hệ chính quy vừa qua đã gây xôn xao dư luận.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, người trực tiếp ký quyết định này, khẳng định ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đủ điều kiện đào tạo hai ngành này. Ông Ga cho biết để ra quyết định, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã thẩm tra rất kỹ các điều kiện mở ngành của trường: cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giảng viên… “Nếu trường ĐH, không kể trường công hay trường tư, đầu tư lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên để đào tạo thì nên tạo điều kiện cho các trường” - ông Ga nói.

Đủ điều kiện mở ngành?

Chiều 26-11, PGS-TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết trường đang chờ ý kiến của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) phê duyệt tổ hợp các môn xét tuyển ngành y và dược, nếu có thể sẽ khai giảng vào tháng 1, 2 năm 2016. Trước mắt trường sẽ đào tạo chuyên khoa nội, ngoại, răng hàm mặt. Thời gian đào tạo là sáu năm.

Ông Hóa khẳng định trường có đầy đủ cơ sở thực hành và đã được thẩm định. “Chúng tôi ký hợp đồng với 5-6 bệnh viện trung ương và Hà Nội. Sau này trường sẽ xây bệnh viện thực hành” - ông Hóa nói. Về cơ sở vật chất, trường đã đầu tư mức kinh phí trên 80 tỉ đồng, học môn gì thì có máy móc thực hành môn đó.

Giờ học thực hành trên bệnh nhân mô hình của sinh viên ĐH Y Dược Thái Nguyên. Ảnh: HUY HÀ

Tuy nhiên, cũng trong sáng 26-11, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế Nguyễn Minh Lợi cho biết khi thẩm định cơ sở đào tạo ngành y của trường này hồi tháng 10-2015, Bộ Y tế đã khuyến cáo trường cần bổ sung các yêu cầu về chuyên môn. Chẳng hạn, về giảng viên, theo danh sách trường có 47 giảng viên phục vụ đào tạo bác sĩ nhưng chỉ 17/47 người có cam kết, trong khi yêu cầu cần tối thiểu 1/2 trong danh sách phải có cam kết làm việc với nhà trường. Ngoài ra để đào tạo ngành y, trường cần có cơ sở thực tập ngoài nhà trường thì trường này cho biết là có nhưng chưa có văn bản chứng minh.

Bên cạnh đó, mức điểm tuyển sinh đầu vào của các trường đào tạo ngành y lâu năm bình quân 25-27 điểm, trong khi Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ dự định điểm tuyển sinh chỉ 20 điểm. Với chênh lệch trình độ như thế, ai có thể khẳng định đầu ra có đảm bảo chất lượng?

Gay go chuyện giảng viên

Các chuyên gia y tế cho rằng trong đào tạo y khoa điều quan trọng nhất của nhà trường là cơ sở vật chất. Trường phải có ít nhất là phòng xác với đủ số lượng xác để học môn giải phẫu, phải có đủ số lượng phòng thí nghiệm vi sinh, sinh học... Ngoài cơ sở vật chất cho các môn khoa học cơ bản còn phải có cơ sở thực nghiệm và thực tập. Cơ sở thực nghiệm là nơi các sinh viên tập khám, chữa bệnh trên phần mềm, trên mô hình... Cơ sở thực tập là các bệnh viện và thực tập trên bệnh nhân là người bệnh thật sự.

PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, nói rằng việc cấp phép này quá “vô lý và lãng phí”, lo nhiều hơn mừng. Theo TS Hoài Nam, hiện nay có thực trạng là nhiều trường y ra đời nhưng các bộ môn cơ sở như giải phẫu, sinh lý học, sinh lý bệnh, y đức… thì không có người dạy. Ngay cả ở những ĐH y khoa lớn lâu đời cả trăm năm vẫn phải trong tình trạng ăn đong, chạy tìm từng giảng viên. Bên cạnh đó, việc tìm bệnh viện thực hành cũng rất phức tạp. Để một bác sĩ không được đào tạo tốt ra hành nghề là rất nguy hiểm.

Phó giám đốc một bệnh viện trung ương ở Hà Nội (xin giấu tên) cho rằng để cho một trường chuyên ngành đào tạo kinh doanh mà đào tạo bác sĩ là rất nguy hiểm. Bởi vì nghề y liên quan đến sinh mạng con người, không thể coi nhẹ được. Tất nhiên cái gì cũng có thể đào tạo được nhưng chất lượng bác sĩ ra trường như thế nào thì còn phải tính toán nhiều. Một vấn đề là đào tạo ngành y không phải chỉ đặt ra các tiêu chuẩn cơ sở vật chất thế nào, cần bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, vì đa phần là thống kê ảo, góp tên nhưng không góp mặt. “Vì những lý do gì mà cho mở ngành thì chưa biết. Xã hội hóa là tốt nhưng xã hội hóa đào tạo ngành y thì gay go quá” - ông này nói.

Về nhân sự, có thể với Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ không phải là vấn đề khó. Tuy nhiên, để có được một đội ngũ giảng viên thực sự có đủ khả năng giảng dạy, đào tạo lại là chuyện khác. Hiện nay tại nước ta, số lượng các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ biết giảng dạy, biết soạn thảo giáo trình giảng dạy y khoa không nhiều. Nếu thiếu lực lượng “đặc biệt tinh nhuệ” này thì dù cho cơ sở vật chất có tốt đến mấy cũng không thể thành công được.

TS VÕ XUÂN SƠN, Giám đốc Trung tâm Y khoa EXSON (TP.HCM)

Phải hết sức cân nhắc về hiệu quả trong việc tăng số lượng trường được đào tạo ngành y. Mặc dù nhân lực ngành y có thiếu nhưng không phải thiếu trầm trọng. Cái quan trọng là có chất lượng hay chỉ chạy theo tăng số lượng bác sĩ rồi tốn công, tốn của cuối cùng gây ra nhiều hệ lụy. Vấn đề cơ bản nhất là hiệu quả đào tạo vì mục đích cuối cùng là đào tạo người thầy thuốc chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

PGS-TS NGUYỄN HỮU ƯỚC, BV Việt Đức

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm