Đó là nhấn mạnh của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD&ĐT, khi đề cập đến những điểm mới trong công tác tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020 tại hội nghị tổng kết tuyển sinh năm 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020.
Theo bà Phụng, kỳ thi tuyển sinh năm nay về cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, Bộ sẽ có bốn điều chỉnh so với năm 2019 để đảm bảo công tác tuyển sinh chất lượng hơn. Cụ thể:
1. Đối với chế tuyển sinh sẽ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2, chất lượng cao... vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non để đảm bảo tính hệ thống, dễ tra cứu, áp dụng.
2. Bộ sẽ quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường.
3. Đối với quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ sẽ không xác định chỉ tiêu trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên, trừ giáo dục mầm non.
Đối với các ngành đào tạo trình độ đại học mới được mở ngành trong năm tuyển sinh được xác định chỉ tiêu nằm trong năng lực đào tạo của khối ngành tương ứng và không vượt quá 50 chỉ tiêu tuyển sinh/ngành mới.
Bộ sẽ bổ sung quy định riêng về xác định chỉ tiêu đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin tại các trường có khóa tuyển sinh ĐH thứ hai trở đi. Cụ thể là giảng viên thỉnh giảng là chuyên gia có bằng thạc sĩ trở lên hoặc tốt nghiệp đại học cùng ngành và có 3-5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo. Tổng số giảng viên thỉnh giảng tối đa bằng 40% tổng giảng viên hữu cơ.
4. Bộ GD&ĐT vẫn quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với hai nhóm ngành y dược, sư phạm. Tuy nhiên, quy chế năm nay sẽ mở rộng ra, không xác định với chính quy mà với cả hệ vừa làm vừa học, văn bằng 2 cũng phải quy định dựa trên mặt bằng chung. "Ví dụ như vừa làm vừa học, nếu thi tuyển hay xét tuyển thí sinh đều phải có học bạ khá giỏi như các em xét tuyển đại học chính quy. Hay văn bằng 2 thì cần dựa trên học bạ giỏi, văn bằng 1 loại giỏi" - bà Phụng cho biết.
Ngoài ra, bà Phụng cũng nhấn mạnh trong năm 2020, Bộ sẽ có những quy định chặt chẽ về chế tài xử lý vi phạm với lãnh đạo các trường, cán bộ tuyển sinh, thí sinh. Đặc biệt với các thí sinh có gian lận hoặc liên quan đến gian lận sẽ đều bị buộc thôi học.
5 nhóm ngành ĐH có tỉ lệ thí sinh nhập học thấp nhất: - Nông lâm nghiệp và thủy sản, tỉ lệ nhập học đạt 32,60%. - Khoa học tự nhiên, tỉ lệ nhập học đạt 34,58%. - Môi trường và bảo vệ môi trường, tỉ lệ nhập học đạt 45,28%. - Dịch vụ xã hội, tỉ lệ nhập học đạt 45,71%. - Khoa học sự sống, tỉ lệ nhập học đạt 50,04%. |