ĐH Sư phạm nói gì về quy định cao từ 1m50 mới được xét tuyển?

Trường chưa gặp trường hợp thí sinh nào thắc mắc hay gặp khó về tiêu chí này trong thời gian qua.

Như PLO đã thông tin, trong kế hoạch tuyển sinh năm 2019 của trường ĐH Sư Phạm TP.HCM mà trường công bố vừa qua, trường có đưa ra tiêu chí thí sinh nam phải cao từ 1m55, nữ từ 1m50 trở lên mới được đăng ký xét tuyển các ngành đào tạo giáo viên của Trường.

Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1,65 m và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1,55 m chiều cao và nặng 45 kg trở lên.

Ngay khi thông tin được đưa ra, nhiều người đã bày tỏ bức xúc không đồng tình. Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội cũng xuất hiện nhưng cuộc tranh luận trái chiều về tiêu chí này của trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Một giáo viên nữ dạy THCS tại quận 5 bày tỏ: “Tôi cao chỉ 1m47 vẫn đi dạy hơn 20 năm nay một cách đàng hoàng, dạy cho biết bao thế hệ học sinh khôn lớn nên người mà có sao đâu. Thấp thì có giày cao gót, vẫn áo dài được mà. Có thể trường thêm tiêu chí phụ này để muốn làm đẹp hơn cho hình ảnh người thầy nhưng đó là điều quá không cần thiết. Sư phạm cốt là lòng yêu nghề, có tri thức và có tâm chứ không phải ngoại hình cao hay thấp, gầy hay mập. Nên chăng nếu cần thì nên thay bằng các tiêu chí về điểm số, về phát âm, về tư cách đạo đức...thì thực tế hơn”.

Tương tự, cô Trần Thị Ly Phượng, giáo viên dạy bậc THPT ở quận 10 cũng cho rằng: “Một người khuyết tật cũng có thể trở thành thầy cô giáo, chỉ cần họ truyền tải được đạo đức và kiến thức cho người khác, đâu quan trọng cao hay thấp. Bục giảng là nơi truyền tải kiến thức và những giá trị nhân văn chứ không phải sàn diễn để tuyển chọn ngoại hình. 1m50 tất nhiên không phải là cao, là khó đạt được nhưng là không cần thiết đưa ra để tuyển vào ngành sư phạm như vậy.  Tạo ra tranh cãi chỉ làm giảm đi thêm hình ảnh người thầy thêm mà thôi.  Chẳng phải chúng ta từng có tấm gương nghị lực của người thầy Nguyễn Ngọc Ký dùng chân để viết đó sao”.

Về vấn đề này, trưa 13-2, phía nhà trường ĐH Sư hạm TP.HCM cũng đã có những trao đổi lại với báo chí để thông tin được rõ hơn.

Ông Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng đào tạo của trường cho hay, thông tin về chiều cao này cho các ngành đào tạo giáo viên đã có trong đề án tuyển sinh của trường hơn 10 năm nay. Thời gian qua, trường cũng chưa gặp trường hợp thí sinh nào thắc mắc hay gặp khó khăn về tiêu chí này khi muốn đăng ký xét tuyển vào trường.

Theo ông Quốc, quy định này của trường đưa ra không vi phạm gì về các quy định quy chế tuyển sinh. Hơn nữa, đây cũng là nội dung có trong đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016.

Ông Quốc cũng cho rằng, tiêu chí về chiều cao này thực chất không phải là điều kiện đơn thuần về ngoại hình mà là về vấn đề thể chất, để định hướng cho các em phải rèn luyện sức khỏe. Và khi là một người thầy khỏe khoắn cũng sẽ là hình mẫu đẹp để học sinh noi theo.

Thông tin rõ thêm về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng, đây không phải là tiêu chuẩn mới của ngành giáo dục mà chỉ là quy định trong đề án tuyển sinh của Trường. Trong đó, chiều cao là vấn đề chi tiết nằm trong những yêu cầu về sức khỏe của đề án tổng thể với rất nhiều yêu cầu về phẩm chất, năng lực khác.

Hơn nữa, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là nơi đào tạo giáo viên THPT ở nhiều ngành cho TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam nên việc đảm bảo sức khỏe của người giáo viên là rất cần thiết trong đó có vấn đề về chiều cao.

Cũng theo ông Sơn, quy định này còn căn cứ trên số liệu về chiều cao trung bình của người Việt Nam. Những số liệu cập nhật cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam điều tra từ năm 2009 - 2010 là cận 20 tuổi ở nam đến 164,44 cm và ở nữ lên đến 153,43. Vì thế chiều cao ở mức 150 cm với nữ là chấp nhận được.

Ông Sơn cũng khẳng định, đề án quy định là vậy nhưng với những trường hợp đặc biệt thì đề án của trường vẫn dành sự trân quý với các thí sinh này để có sự xem xét cụ thể và có những biện pháp đảm bảo tính nhân văn, tôn trọng.

Vì thực tế hiện trường cũng có nhiều sinh viên khuyết tật đang học ở các ngành như  toán, văn, tâm lý học, giáo dục đặc biệt...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm