Việc công khai để làm một trong các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh 2019 về quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, CĐ các ngành đào tạo giáo viên và trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ vừa được Bộ GD&ĐT công bố để lấy ý kiến.
Đây cũng là lần đầu tiên Bộ quy định điều này để siết tuyển sinh đầu vào của các trường, tránh tình trạng tăng chỉ tiêu vô tội vạ. Đồng thời, đây không chỉ là “thước đo” giúp thí sinh lựa chọn trường có chất lượng, mà còn là căn cứ để cơ quan quản lý giám sát chất lượng đào tạo.
Theo dự thảo này, các ngành đạo tạo mới mở trong năm tuyển sinh, chỉ tiêu được xác định cho ngành đó không vượt quá 30% năng lực đào tạo của ngành.
Đáng chú ý trong dự thảo, ngoài tiêu chí đạt chuẩn công nhận kiểm định chất lượng giáo dục đã áp dụng từ năm 2018, nay lần đầu tiên dự thảo sử dụng thêm tiêu chí tỷ lệ việc làm sinh viên trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Cụ thể, với cơ sở trong 3 năm liền không vi phạm quy định về tuyển sinh, được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định được tự chủ xác định chỉ tiêu theo cam kết chất lượng đào tạo, nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, ngành chưa có chương trình kiểm định không được tăng chỉ tiêu hoặc được tăng không quá 10% so với năm trước liền kề nếu kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp đạt từ 90% trở lên (căn cứ vào kết quả kiểm định và kết quả khảo sát sinh viên có việc làm hằng năm của nhà trường).
Dự thảo này cũng nêu rõ, sinh viên bị sàng lọc là sinh viên đã nhận học vào trường nhưng sau thời gian đào tạo tiêu chuẩn (thời gian học đúng hạn theo chương trình đào tạo được thiết kế trung bình 3,5-6 năm tuỳ ngành) nhưng chưa đủ điều kiện được công nhận tốt nghiệp hoặc không còn tiếp tục theo học tại trường.
Theo đó, nếu tỷ lệ trung bình của sinh viên có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp đạt từ 90% trở lên và có sinh viên bị sàng lọc thì sau khi xác định chỉ tiêu theo quy định chung còn được xác định chỉ tiêu tuyển sinh tăng thêm không quá 25% số trung bình cộng của sinh viên bị sàng lọc trong 4 năm trước liền kề năm tuyển sinh. Nếu cơ sở đào tạo chưa đủ 4 năm có sinh viên tốt nghiệp thì tính số trung bình cộng sinh viên bị sàng lọc của các khóa đã tốt nghiệp.
Bộ GD&ĐT cũng dự kiến, các trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề.
Sẽ công khai các trường vi phạm tuyển sinh Cũng theo dự thảo này, năm 2019, Bộ GD&ĐT tiếp tục siết chặt điều kiện tuyển sinh của các trường thông qua việc kiểm tra, giám sát các trường tuân thủ quy định về các điều kiện bảo đảm chất lượng như cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng đội ngũ... Theo Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo; kiên quyết dừng tuyển sinh đối với những cơ sở vi phạm quy định về tuyển sinh và chưa đạt điều kiện bảo đảm chất lượng, đồng thời công khai những cơ sở vi phạm để thí sinh và xã hội nắm rõ. Ngoài ra, trước thời điểm tuyển sinh, các cơ sở phải công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, đặc biệt là công khai mức học phí, tránh tình trạng nâng học phí bất thình lình, gây khó khăn cho người học, khiến dư luận xã hội bức xúc. |