Rõ ràng nạn xâm hại tình dục trẻ em đang gia tăng ở mức báo động, nếu không xử nghiêm e mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn.
Đáng phẫn nộ hơn, các đối tượng xâm hại trẻ em lại là những nhà giáo hay người từng làm công tác bảo vệ pháp luật. Địa điểm xảy ra xâm hại lại ở ngay những nơi tưởng như an toàn nhất với trẻ là trường học, khu vực trẻ sinh sống hằng ngày. Và đáng phẫn uất hơn nữa là việc xử lý bọn biến thái hoặc quá chậm chạp, hoặc xử lý mà như không xử. Ngoài vụ cựu viện phó Nguyễn Hữu Linh có dấu hiệu dâm ô sau 10 ngày vẫn chưa bị khởi tố, trước đó từng có vụ thầy giáo ở Bắc Giang sờ mông, sờ đùi 14 nữ sinh và một nam sinh nhưng đã không bị xử lý hình sự.
Những người vi phạm đưa ra nhiều lý lẽ chói tai để bao biện, đánh tráo khái niệm cho hành vi đồi bại của mình. Ông cựu viện phó thì nói chỉ “nựng” bé gái, thầy giáo ở Bắc Giang thì nói chỉ “véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi” chứ không dâm ô.
Việc chậm xử lý hay xử lý như “gãi ngứa” như trên trở thành chủ đề để người dân bàn chuyện tiếu lâm hay vẽ tranh châm biếm, như câu chuyện “sờ mông, sờ đùi” không phải là hành vi dâm ô. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người lớn chúng ta, đòi hỏi hệ thống thực thi pháp luật phải làm việc khẩn trương hơn, hiệu quả hơn để có tính răn đe tốt hơn.
Luật Trẻ em ra đời năm 2016 thể hiện quyết tâm rất cao trong việc chăm sóc cho trẻ em ở ba cấp độ, từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp. Khâu thực thi pháp luật chưa nghiêm như đã nói trên đã góp phần làm cho việc phòng ngừa loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em khó khả thi, bằng chứng là cứ vài ngày lại có thông tin liên quan về loại tội phạm này.
Trong thời gian chờ đợi kết quả các vụ việc, cha mẹ và các tổ chức bảo vệ trẻ em đang tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho các em. Rõ ràng đây là một điều rất cần thiết, thậm chí mang tính cấp bách. Tuy nhiên, nó cũng thể hiện chúng ta đang chuyền quả bóng trong chân người lớn chúng ta sang cho trẻ em.
Khi dạy trẻ phòng vệ cũng có nghĩa là chúng ta dạy cho trẻ sự cảnh giác với bất cứ ai, bất cứ khi nào trước kẻ xấu. Điều này là rất nên, nó giúp trẻ có những kỹ năng cần thiết tránh được các nguy hiểm trước mắt nhưng đồng thời về lâu dài, trẻ sẽ mất đi sự ngây thơ, trong trắng của tuổi thơ. Thay vì chúng có thể vô tư thoải mái chơi bời trong một môi trường xã hội an toàn và lành mạnh thì giờ đây, khi vào thang máy chúng phải quan sát, khi đi ra đường chúng phải để ý, khi vào trường học chúng phải e dè... Chúng có thể trở nên nghi ngờ xung quanh, nghi ngờ cả chính những “kỹ sư tâm hồn” - người có trách nhiệm dạy dỗ, bảo bọc chúng. Chúng sớm mất niềm tin vào các giá trị tốt đẹp của xã hội!
Để lấy lại niềm tin cho các em, không còn cách nào thiết thực hơn là các cơ quan thực thi pháp luật phải xử lý khẩn trương, xử thật nghiêm những kẻ xâm hại tình dục. Điều đó tạo được sự an tâm cho các em và phần nào làm chùn ý định phạm tội của kẻ xấu, những kẻ biến thái đang rình rập, ẩn núp xung quanh ta.
Xử lý nghiêm khắc các đối tượng dâm ô, xâm hại trẻ ngay lúc này tuy không ngăn chặn hoàn toàn nạn xâm hại trẻ em nhưng nó sẽ là liệu pháp tinh thần trấn an dư luận. Để dư luận tin vào pháp luật, tin vào công lý và vào các thiết chế bảo vệ mầm xanh đất nước.