Sáng nay bạn bè tôi ở một số tỉnh thành đã đưa con em tới trường để bắt đầu năm học mới 2019-2020.
Nhưng đây mới chỉ là ngày tựu trường, ngày để thầy trò trở lại trường làm những công việc tổ chức, sắp xếp, làm quen,… Còn ngày khai giảng, hay ngày khai trường, được thống nhất trên cả nước là ngày 5-9-2019.
Ngày tựu trường được linh động rải ra trong suốt tháng 8 cho tới đầu tuần cuối cùng của tháng tựu trường này. Vì thế, ngay từ ngày 1-8 đã có một số nơi tựu trường. Ở TP.HCM, gần 2 triệu học sinh các bậc tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên sẽ tựu trường vào ngày thứ Hai ngày 19-8-2019 theo thông báo của UBND TP.HCM hồi tháng 7-2019.
Học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh trong ngày tựu trường năm học 2018-2019. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Tựu trường có nghĩa là thầy trò “game over” một mùa hè - từ hồi nào đó không còn gọi là “nghỉ hè” mà chính xác bản chất là “học kỳ 3” hay “học kỳ phụ trội”. Nhà thơ Đỗ Trung Quân hồi năm 1984 trong bài thơ Chút Tình Đầu có vẻ lãng mạn, ngây thơ thảng thốt hỏi rằng ”Em chở mùa hè của tôi đi đâu?” Có lẽ sau khi có con, ông đã tìm được câu trả lời cho chính mình: “Chở đi học hè chớ đi đâu!”.
Tôi cũng không nhớ từ năm nào lại nảy sinh ra hai cái ngày khác nhau: “Ngày tựu trường” và “ngày khai trường”. Liệu có những nghiên cứu xã hội học nào cho thấy tính ưu việt, hơn hẳn của cái sự có thêm “ngày tựu trường” dọn đường cho “ngày khai trường” truyền thống? Chỉ có thể chắc chắn rằng thầy trò đã bị lấy mất một miếng thời gian, có khi cả tháng trời, của mùa hè - vốn được cả thế giới, hình như trừ Việt Nam là cá biệt - thiết kế làm thời gian cho thầy trò thư giãn nghỉ ngơi cho giảm căng thẳng sau một năm học, và để thể xác lẫn tinh thần được hồi sức, tỉnh táo, khỏe khoắn sẵn sàng cho một năm học mới.
Có lẽ người ta giải thích rằng cần phải có sự chuẩn bị, ổn định trước để ngay sau khi làm lễ khai giảng là có thể bắt đầu học ngay. Mà có lẽ bây giờ cái sự học ở nhà trường nó phức tạp hơn xưa. Ngày trước chất lượng giáo dục được đánh giá cao không ai có thể phủ nhận mà chỉ có một ngày khai trường, làm lễ ngắn gọn và đơn giản xong là học sinh về lớp, chép thời khóa biểu năm học mới, là bắt đầu một năm học mới ngay và luôn. Chỉ có điều lẽ ra mọi sự chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới là phần việc của nhà trường, hoặc cùng lắm là lôi kéo thêm thầy cô vào.
Nói cách nào đó, đây là cái sự tới trường mà chưa phải là đi học. Và bởi đã tựu trường trong ấm ức (vì bị cắt mất mùa hè) nên các thế hệ học sinh không còn được trải nghiệm những cảm xúc thật sự của ngày khai trường. Đó là cái ngày lẽ ra ghi dấu ấn trong đời học sinh khi là lần đầu tiên đi học (cho người mới đi học) và ngày đầu tiên trở lại trường sau ba tháng nghỉ hè. Và cũng vì đã tựu trường nên ngày khai trường chỉ còn mang tính hình thức, nghi lễ, chủ yếu dành cho… người-lớn-không-phải-phụ-huynh. Và phải chăng vì vậy mà tiếng trống khai trường vốn thiêng liêng trong đời học sinh giờ trở nên xa vắng, ảo diệu, lạc lõng thậm chí già giả…