Ví mình là ông tiên để dạy trẻ tăng động

Đứa trẻ vào phòng ông hiệu trưởng khóc mà không có giọt nước mắt nào. “Bé chỉ hức hức như một con mèo kêu. Bởi tôi biết từ nhỏ, bé phải khóc quá nhiều nhưng không có ai dỗ. Tôi đến bên bé thì thầm như một ông tiên trong truyện: “Vì sao con khóc? Kể cho thầy biết đi!”. Nghe tôi hỏi chuyện, bé đáp: “Bạn chọc con”. Tôi dẫn bé quay lại lớp và nói với các trò: “NT vừa mách với thầy là bị bạn ghẹo. Vậy các con đừng ghẹo bạn nữa nghe”. Nghe tôi nói thế, bé cười hài lòng và trở về chỗ ngồi tiếp tục học.

Trên đây là một trong những câu chuyện về dạy trẻ khác biệt của ông Nguyễn Văn Hùng - người từng có hơn 12 năm giữ cương vị hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP.HCM) - ngôi trường nhận dạy rất nhiều trẻ khác biệt. Nhân vụ hai cô giáo ở Nam Định cột bé trai bị tăng động vào cửa sổ mới đây, ông Hùng dành cho báo Pháp Luật TP.HCM nhiều chia sẻ về giáo dục trẻ khác biệt (bệnh Down, chậm phát triển, tăng động, tự kỷ…) trong nhà trường.

Vận động sự thông hiểu của mọi người

. Phóng viên:Được biết tại Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật trước nay, học sinh bình thường chơi chung với học sinh khác biệt rất hòa đồng, vui vẻ. Bằng cách nào nhà trường tạo được nếp cư xử tốt đẹp này, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Văn Hùng, cựu Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật: Muốn làm được điều này thì cần phải có hai yếu tố. Thứ nhất, nhà trường phải sinh hoạt với giáo viên về những bệnh lý của trẻ, như mời chuyên gia về nói chuyện để giáo viên hiểu. Sau khi giáo viên đã thông hiểu, với công tác chủ nhiệm, chính họ sẽ nói cho học sinh hiểu. Ngoài ra, chính bản thân tôi thường nói chuyện với các trò qua các buổi sinh hoạt để cho các em biết rằng các bạn bị bệnh không phải là bệnh truyền nhiễm. Các bạn chỉ có một vài hành vi không giống bình thường, từ đó các em chơi cùng bạn cũng là cách để giúp bạn hồi phục lại như bình thường.

Thứ hai, nhà trường phải thông báo với phụ huynh là trường có những trẻ như vậy. Và bệnh của các em cũng không quá nghiêm trọng. Nhà trường sẽ tiến hành nhiều biện pháp để con em của họ không bị ảnh hưởng. Vì thế, mong phụ huynh cùng giúp đỡ chứ không kỳ thị các bé. Khi phụ huynh nhận thấy rằng con mình học tại trường không bị ảnh hưởng gì thì họ sẽ ủng hộ.

. Ông có thể chia sẻ cách nhà trường giải quyết tình huống rắc rối cụ thể?

+ Hồi đó tôi thường xuyên tiếp nhận nhiều phản ánh của học trò. Ở trường, có một bé tên N., tám tuổi nhưng không biết nói gì, thỉnh thoảng đánh bạn. Một hôm, N. đánh một học sinh trong lớp. Dù đau nhưng học sinh đó không đánh lại mà chỉ nhăn mặt lên mách cô giáo. Khi đó, giáo viên khuyên bảo: “Do bạn bị bệnh nên thế, con đừng ghét bạn nhé. Con thương bạn thì bạn sẽ nhanh lành bệnh”.

Ông Nguyễn Văn Hùng cùng các học trò tại Trường Tiểu học Mê Linh (quận 3, TP.HCM), nơi ông đang công tác hiện nay. Ảnh: N.QUYÊN

Làm cho trẻ thấy luôn được yêu thương và tôn trọng

. Ông đã làm gì để các giáo viên và bảo mẫu cùng hiểu và hành động vì trẻ khác biệt?

+ Tại trường tôi từng công tác, học sinh bình thường không xa lánh bạn mà còn giúp đỡ bạn trong học tập. Điều đó có được chính là nhờ giáo viên chủ nhiệm. Người giáo viên tận tâm, hiểu biết sẽ làm tốt công tác chủ nhiệm, chính họ sẽ phân công trò cùng kèm cặp bạn yếu để tiến bộ.

Giáo viên trường tôi thường xuyên được tham gia các buổi tập huấn của Sở GD&ĐT về giáo dục trẻ khác biệt. Ngoài ra, giáo viên luôn phải có một kế hoạch giáo dục riêng cho từng học sinh khác biệt ở trong lớp và dựa trên sự tiến bộ của trẻ để đánh giá. Muốn lập kế hoạch đó, giáo viên phải biết trẻ cần gì, thích gì, cái gì có thể phát triển được để phát huy.

. Nhiều năm quản lý giáo dục trẻ khác biệt, ông đúc rút gì về công tác khó khăn này, thưa ông?

+ Cần có hai điều luôn đong đầy dành cho trẻ khác biệt, trẻ chậm phát triển, đó chính là tình yêu thương và sự tôn trọng. Làm sao để trẻ thấy mình được yêu thương, được tôn trọng. Hồi tôi làm hiệu trưởng, các trẻ này luôn tìm đến với tôi chắc vì những lẽ đó

Bên cạnh đó, trẻ phải được học ở môi trường có bạn cùng chơi, cùng nói. Bởi vì những trẻ chậm phát triển thiếu ngôn ngữ giao tiếp là do ít người tiếp xúc, chuyện trò. Khi nhà trường có thể khiến trẻ chơi với nhau thì chính những đứa trẻ bình thường sẽ cung cấp ngôn ngữ giao tiếp cho trẻ chậm phát triển. Khi có ngôn ngữ giao tiếp phong phú hơn, trẻ sẽ tiến bộ về mặt trí tuệ.

. Xin cám ơn ông.

Chú trọng chuẩn phẩm chất của giáo viên

Đối với giáo viên dạy trẻ khác biệt, trong chương trình nhà trường luôn đặt ra chuẩn đào tạo ngoài tiêu chí về năng lực còn  có tiêu chí về phẩm chất. Trong chuẩn phẩm chất, giáo viên phải kiên nhẫn và có một trái tim thực sự nhân hậu để tôn trọng trẻ. Vì chính sự tôn trọng đó sẽ giúp giáo viên nhìn nhận ra sự khác biệt để vượt qua những định kiến mà dạy dỗ trẻ tốt hơn.

 Hoàng Thị Nga, phụ trách khoa Giáo dục đặc biệt, ĐH Sư phạm TP.HCM

Phối hợp để được tập huấn chuyên nghiệp

TP.HCM hiện có Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật. Các trường dạy trẻ hòa nhập cần phối hợp với trung tâm để các nhà quản lý, các giáo viên được tập huấn, hướng dẫn một cách bài bản, chuyên nghiệp về công tác giáo dục trẻ khác biệt.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm