Theo phản ánh của người dân thôn An Dưỡng, An Thái (xã Bình An, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), sáng 15-7 phóng viên PLOđã tìm đến tìm hiểu tình trạng heo chết bị thả trôi nổi trên kênh N14 qua khu vực này.
Heo chết trương phềnh nổi trắng kênh
Theo quan sát của phóng viên PLO, trên kênh N14 đang có hàng chục con heo to nhỏ, mỗi con từ 10-60 kg trương phềnh nổi trên mặt nước. Nhiều con trong số ấy đã phân hủy trơ xương, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Tại đoạn kênh qua cánh đồng thôn An Thái, khoảng 5 con heo chết trôi đến đoạn kênh này. Trong đó, một con đã phân hủy hết thịt, chỉ còn bộ xương nằm sát bờ kênh bốc mùi rất nặng.
Một con heo chết bị thả trôi trên kênh. Ảnh: THANH NHẬT
Bà Phan Thị Lan (60 tuổi, thôn An Thái), cho hay khoảng 15 ngày trở lại đây, xác heo theo dòng nước chảy vào kênh liên tục, trung bình mỗi ngày khoảng 2-3 con đã và đang phân hủy. Mỗi lần người dân khu vực này ra đồng làm việc phải làm đủ cách để hạn chế mùi hôi xộc vào mũi.
“Heo chết bốc mùi thối chịu không nổi, chúng tôi phải dùng vải nhét vào lỗ mũi để giảm bớt mùi. Tôi đã báo cáo tình hình với thôn nhưng vẫn chưa thấy giải quyết”, bà Lan ngao ngán.
Cũng tại con kênh N14 sát khu vực quốc lộ 1A đi qua, hai con heo chết khoảng 60 kg phơi bụng trên mặt nước. Cách đó khoảng 30 m, tại khu vực Cầu Máng bắc ngang qua kênh, bốn bao tải cỡ lớn chứa heo chết nổi lên, mùi rất kinh khủng.
Anh Trần Văn Tấn (43 tuổi, nhà sát cầu Máng, thôn An Dưỡng), kể hàng ngày anh phải dùng gậy dài đẩy cho heo chết thối trôi khỏi cầu. “Mỗi ngày có khoảng 6, 7 con heo trôi xuống đây. Sáng nào dậy tôi cũng phải chạy ra đẩy mấy bao heo cho nó trôi qua khỏi cầu chứ không thể chịu nổi mùi hôi”, anh Tấn nói.
Theo anh Tấn, số heo này là do những người vô ý thức chở heo từ nơi khác tới. Khi đến kênh, họ dừng xe ghé sát vào lề rồi vứt heo xuống. “Không riêng gì heo mà nhiều động vật chết như chó, gà… người ta cũng dừng lại đây vứt xuống”, anh Tấn nói.
Chính quyền đổ lỗi cho nhau
Theo phản ánh của người dân, tình trạng trên đã được họ báo cáo lãnh đạo thôn và nhận được câu trả lời “để đó sẽ giải quyết”. Tuy nhiên chính quyền xã lại không hề hay biết sự việc. Sáng 15-7, khi phóng viên trực tiếp có mặt ghi nhận thì sự việc mới “lọt” đến tai lãnh đạo xã.
Ông Lê Hồng Thiết, Chủ tịch UBND xã Bình An, cho biết trước đó xã không nắm được tình trạng heo chết trôi nổi trên kênh chảy qua xã. Đến sáng nay mới mới biết.
Các bao tải đầy heo chết được vứt trên kênh ngay trong vùng dịch. Ảnh: THANH NHẬT.
“Heo này ở xã Bình Trung trôi vào chứ không có heo của xã Bình An. Bình An chúng tôi dập dịch và chôn heo tại các thôn An Mỹ, An Phước, không có vứt xuống kênh. Chúng tôi điện thoại ra xã Bình Trung thì xã Bình Trung nói heo đó trôi từ... xã Bình Chánh xuống”, ông Thiết nói.
Theo ông Thiết, xã Bình An phát hiện ca nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi đầu tiên vào ngày 11-6, đến nay tình hình dịch vẫn chưa chấm dứt.
Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch xã Bình Trung cho hay, lâu nay không ai báo cáo về tình trạng này. Đến sáng nay sau khi nắm được thông tin xã đã cử cán bộ môi trường đi kiểm tra. Con kênh N14 chảy qua nhiều xã của huyện Thăng Bình. Nhưng xã Bình Trung và Bình An là đoạn cuối của kênh nên hai xã này “lãnh” hết.
Anh Tấn dùng cây sào dài đẩy heo chết ra khỏi khu vực gần nhà do không chịu nổi mùi hôi thối. Ảnh: THANH NHẬT
“Xã nào không biết chứ heo chết ở xã Bình Trung chúng tôi tiêu hủy hết. Dân đem heo trực tiếp đến nhà tôi cân hỗ trợ trả tiền thì làm gì có chuyện heo vứt ra ngoài kênh. Tôi tin rằng 100% xã Bình Trung không có heo bỏ ra môi trường”, ông Cường khẳng định.
Trong khi chính quyền các xã đang đỗ lỗi cho nhau, người dân sống hai bên kênh N14 hàng ngày phải “gồng mình” sống chung với mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ xác heo chết.
Theo báo cáo của Chi cục chăn nuôi và thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 9-7, toàn tỉnh có 14 huyện, thị xã, thành phố có xảy ra dịch tả heo châu Phi. Số lượng heo tiêu hủy là 12.000 con, trọng lượng lợn tiêu hủy tương đương 585 tấn. Đối với huyện Thăng Bình, chỉ tính từ 16-5 đến ngày 30-6 đã có 75 thôn của 18/22 xã, thị trấn có heo nhiễm dịch tả heo châu Phi. Số lượng heo tiêu hủy là 3.605 con, trọng lượng tiêu hủy hơn 200 tấn. |