Buông lỏng phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Tại Quảng Nam, theo quy định của tỉnh, cấp xã sẽ thành lập các điểm chốt chặn tạm thời trong thời gian diễn ra dịch tả heo châu Phi. Các điểm chốt chặn phải có thành viên trực 24/24 giờ đề phòng việc người dân vận chuyển heo trái phép ra khỏi vùng dịch. Đồng thời cũng phải có một tổ tuần tra xuyên suốt ngày đêm đề phòng việc vận chuyển heo trái phép ra khỏi vùng dịch.

Chốt kiểm dịch lập cho có

Thế nhưng trong nhiều ngày ghi nhận, PV nhận thấy hầu hết các chốt kiểm dịch cấp xã thuộc các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình (Quảng Nam) không có người túc trực. PV nhiều lần ghi nhận nhiều người chở heo bằng xe máy ra chợ Bà Rén (chợ chuyên mua bán heo, xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) bán mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Tại chốt kiểm dịch nằm ngay chân cầu Trường Giang thuộc xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên (xã này là một trong những nơi công bố dịch đầu tiên của tỉnh Quảng Nam), địa phương chỉ cắm lá cờ, ghi trên tấm biển dòng chữ “Điểm kiểm tra lợn và các sản phẩm của lợn vận chuyển”. Nơi đây, trong hơn một tuần qua lại, hầu như không có cán bộ nào đứng kiểm tra.

Còn một chốt kiểm dịch khác của xã Duy Nghĩa nằm trên đường 129 thì đã bị gió làm quật ngã. Theo người phụ nữ bán quán nước tại đây, cán bộ xã đã cắm biển này gần một tháng, từ khi cắm biển đến nay không thấy ai ra trực.

Trước đó, rạng sáng cùng ngày, túc trực tại chốt chặn kiểm dịch tại cầu Para thuộc xã Duy Thành, chúng tôi ghi nhận hàng loạt xe chở heo đi qua đây mà không ai chốt chặn, chủ yếu họ chỉ chở vào rạng sáng vì chợ heo Bà Rén chỉ họp lúc rạng sáng đến gần trưa.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Tấn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành, cho biết khi dịch xảy ra, UBND xã đã thành lập tổ chốt chặn, tuần tra gồm 12 thành viên. Trong đó có hai tổ chốt chặn và một tổ tuần tra.

Ông Bảo thừa nhận có sự thiếu sót trong công tác chốt chặn tại các điểm trên. Nhiều cán bộ được giao nhiệm vụ chốt chặn lại lơ là, bỏ điểm. Một số khác vì công việc hành chính của xã nên phải đi làm. “Thời gian đầu anh em làm việc ngày đêm, gần đây dịch đã hạ nhiệt. Hơn nữa, mấy nay không phát hiện trường hợp heo chết mới nên anh em tổ chức tuần tra lưu động chứ không đứng chốt. Còn người dân thì luôn canh chừng, khi không có mặt của lực lượng chức năng thì vận chuyển heo trái phép” - ông Bảo nói.

Chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Tấn Nam, Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, để trao đổi về việc các điểm chốt chặn của xã không có người trực, thậm chí có điểm tấm biển còn bị ngã hơn 10 ngày chưa ai dựng lên. Ông Nam cho biết vẫn có người trực. “Chắc cán bộ đi công việc đâu đó” - ông Nam nói.

Chốt kiểm dịch tại cầu Trường Giang (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) không có cán bộ đứng chốt. Ảnh: HẢI HIẾU 

Xe tải chở heo đi vào trung tâm TP Đà Nẵng sai quy định để vượt trạm kiểm dịch Kim Liên. Ảnh: HẢI HIẾU

Xe chở heo từ vùng dịch thông chốt kiểm dịch

Chiều 29-6, xe tải loại 2,5 tấn biển số 92C-089.30 chạy từ quốc lộ rẽ vào đường dân cư gần nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Tại đây, ba người trên xe và người dân hì hục bốc heo được nhốt sẵn trong chuồng lên xe rồi chạy theo quốc lộ 1.

Khi đến trạm kiểm dịch động vật cấp tỉnh thuộc địa phận Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), tài xế xe tải dừng xe, vào lề. Cán bộ thú y không qua các bước kiểm dịch theo quy định như phun thuốc, kiểm tra niêm chì, số lượng heo… Xe này dừng lại điểm kiểm dịch này chừng hai phút là chạy đi.

Xe tải này đi được gần 1 km thì dừng lại trước Trạm kiểm dịch động vật Hòa Phước (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Tại đây, cán bộ kiểm dịch vẫn không kiểm tra số lượng heo, niêm chì nhưng có phun thuốc khử trùng. Sau đó, tài xế cầm tờ giấy kiểm dịch chạy vào trạm kiểm dịch. Quy trình kiểm tra tại trạm này khoảng năm phút thì xe này tiếp tục hành trình.

Đáng nói là tài xế không cho xe chở heo chạy đúng theo lộ trình xe chở động vật mà vào trung tâm TP Đà Nẵng, chạy lên cầu vượt Ngã Ba Huế rồi đi thẳng lên đèo Hải Vân. Tài xế xe tải đã bỏ luôn chốt kiểm dịch Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Sau khi chạy hết đèo Hải Vân, xe tải dừng lại tại chốt kiểm dịch động vật nằm trên địa bàn xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế). Tại đây, sau khi kiểm tra, có ba niêm chì bị phá vỡ, số lượng heo vượt quá tám con. Tổng số heo chở trên xe là 24 con nhưng trong giấy kiểm dịch tại huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) cấp chỉ 16 con. Xe chở heo bị các cán bộ thú y tại đây giữ lại và thực hiện các thủ tục để xử lý theo quy định.

Trước đó, trong nhiều ngày theo dõi, hầu hết các xe máy chở heo qua các trạm Hòa Phước, Điện Thắng Bắc đều không vào làm thủ tục. Các cán bộ kiểm dịch tại hai trạm này đều kiểm tra sơ sài các xe tải chở động vật trong vài phút.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Chu Đức, Trưởng Trạm kiểm dịch động vật Hòa Phước (Đà Nẵng), cho biết thời điểm xe tải 92C-098.30 qua trạm là lúc ông này trong ca trực.

Ông Đức thừa nhận có sai sót trong quy trình kiểm dịch xe tải 92C-089.30. Ông này không thực hiện các bước kiểm tra niêm chì, kiểm đếm, chỉ có người thực hiện phun thuốc khử trùng, làm thủ tục hành chính và thu phí. “Do xe này vào trạm đúng giờ cơm nên mình chỉ bỏ chén cơm, chạy ra làm thủ tục cho đi rồi vào ăn cơm lại” - ông Đức giải thích. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm