Ngày 27-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống dịch tả heo Châu Phi.
Cụ thể, Quyết định của Thủ tướng nêu rõ, đối tượng hỗ trợ bao gồm người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, HTX sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy do dịch sẽ được hỗ trợ 25.000 đồng/kg heo hơi áp dụng cho heo con và heo thịt các loại. Đối với heo nái, heo đực đang khai thác sẽ được hỗ trợ 30.000 đồng/kg heo hơi.
Với doanh nghiệp chăn nuôi vừa và nhỏ, dựa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ số 04/2017/QH14 (không bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ là công ty con hoặc công ty có vốn chi phối của doanh nghiệp lớn) được hỗ trợ 8.000 đồng/kg heo hơi đối với heo con, heo thịt các loại và mức 10.000 đồng/kg heo hơi đối với heo nái, heo đực đang khai thác.
Ảnh minh họa
Mức hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bảo hiểm (nếu có).
Heo giống cụ, kỵ, ông bà vẫn được hỗ trợ với mức 500.000 đồng/con heo đến ngày 31-12-2019.
Về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương, các tỉnh miền núi, Tây Nguyên ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ 80% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ thiệt hại. Các tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương 50% trở lên thì chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện. Đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50% thì ngân sách trung ương hỗ trợ 50% từ hỗ trợ ngân sách nhà nước.
Về mức hỗ trợ kinh phí cho cán bộ thú y và những người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật, giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh quyết định với mức không thấp hơn ngày công lao động phổ thông tại địa phương (200.000 đồng/người/ngày làm việc; 400.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết).