Lạc giữa rừng sách best-seller

Tuy nhiên, không phải cuốn sách nào cũng đủ sức hút và có giá trị đúng như những lời giới thiệu có cánh mà các đơn vị phát hành cố tình gán cho chúng.

Không riêng những tác phẩm ăn khách đã tạo được làn sóng hâm mộ khắp thế giới như bộ truyện Harry Potter (J.K. Rowling), các tập truyện về ma cà rồng Twilight (Stephenie Meyer), tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng như Haruki Murakami, Marc Levy…; hàng loạt tác phẩm văn học dịch trên thị trường sách hiện nay đều mang những danh hiệu rất kêu. Gần như lật bất kỳ quyển nào, độc giả cũng dễ dàng bắt gặp một trong các “nhãn” sau: The New York Times Best Seller, International Best Seller, tác phẩm được bầu chọn là cuốn sách được yêu thích mọi thời đại… Tuy nhiên, giá trị thật sự của tác phẩm còn cần phải xem lại.

Thực hư best-seller

Một trong những đơn vị tiên phong trong việc giới thiệu sách bằng cách tóm tắt nội dung, ghi nhận giải thưởng và chọn in những nhận xét của báo chí nước ngoài về tác phẩm là Công ty Sách Nhã Nam. Trước đây, cách làm này từng mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, khi càng lúc càng có nhiều công ty sách tư nhân ra đời, việc giới thiệu sách theo kiểu “ăn theo” giải thưởng, gắn kèm danh hiệu best-seller và những lời ca tụng của báo chí nước ngoài đã khiến hiệu quả quảng bá tác phẩm ngày càng bị bão hòa.

Nhìn vào thị trường sách hiện nay, gần như cuốn sách nào cũng khoác áo best-seller và tác giả nào cũng có thể trở thành những tên tuổi ăn khách, được yêu thích ở nước ngoài. Đó gần như là điểm chung mặc định cho các tác phẩm chuyển ngữ. Điều này khiến độc giả khó xác định được những danh hiệu mà đơn vị phát hành gán cho tác phẩm là thực hay giả, đơn vị phong tặng danh hiệu có thật sự uy tín, tác phẩm có thật sự hay và có tầm ảnh hưởng. Giữa rừng sách best-seller như hiện nay, không nhiều tác phẩm thật sự có giá trị như những gì được ca ngợi trên bìa sách.

Lạc giữa rừng sách best-seller ảnh 1

Giữa rừng sách best-seller như hiện tại, độc giả là người thẩm định chính xác nhất chất lượng một tác phẩm. Ảnh: HTD

Chị Đinh Hương - phụ trách PR Công ty Sách Bách Việt nhìn nhận: “Danh hiệu sách best-seller vẫn chiếm giữ vị trí quan trọng trong các chiến lược marketing cho sách”. Đại diện một đơn vị làm sách khác cũng tiết lộ rằng best-seller gần như là cụm từ không thể thiếu cho các đầu sách được đơn vị này chọn phát hành, ngay cả khi cuốn sách đó chỉ có thể best-seller trong vài tuần ở nước ngoài.

Một số đơn vị phát hành trong nước cũng lạm dụng danh hiệu best-seller để quảng bá sách theo kiểu tự lập ra danh mục sách best-seller hằng tuần, hằng tháng. “Đó có thực sự là sách best-seller hay không thì chỉ có những người kinh doanh trực tiếp cuốn sách đó mới biết câu trả lời chính xác” - một người trong giới phát hành sách cho biết.

Độc giả là người thẩm định

Làm thế nào để có thể lựa chọn được những đầu sách hay là câu hỏi không dễ trả lời cho độc giả giữa thị trường sách văn học dịch sôi động, vàng thau lẫn lộn như hiện nay. Theo khảo sát từ Công ty Sách Bách Việt, độc giả ngày nay có khuynh hướng chọn sách dựa trên nhận định cá nhân và thông tin trên các phương tiện truyền thông nhiều hơn là theo nhãn best-seller. Người đọc cũng thường chọn sách của những tên tuổi có uy tín để tìm sự an tâm về chất lượng tác phẩm.

Khi thị trường sách mở cửa, nhiều công ty sách tư nhân được thành lập, việc đầu tư in ấn và chọn lựa tác phẩm cũng công phu hơn. Các đơn vị làm sách có những phương cách riêng để gầy dựng thương hiệu, tạo niềm tin cho độc giả. Chị Như Thủy, đại diện Công ty Sách Đinh Tị, nói: “Độc giả bây giờ tinh lắm. Nhìn thiết kế bìa sách, trang ruột cuốn sách họ sẽ có ngay nhận xét ban đầu về tính chuyên nghiệp của đơn vị làm sách”.

Độc giả ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với văn học thế giới nhưng giữa những giá trị lẫn lộn, người đọc vẫn luôn phải là người thẩm định chất lượng sách cho chính mình. Nói theo chị Như Thủy thì cái mác best-seller của những tác phẩm văn học nước ngoài nhiều khi chỉ phù hợp ở các nước sở tại nhưng lại không phù hợp với văn hóa sống và văn hóa đọc của người Việt.

Xây dựng thương hiệu để tồn tại

Bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Công ty Chibooks cho biết “chiến lược PR” lâu dài cho các đầu sách của đơn vị là chú trọng việc mua bản quyền trọn bộ tác phẩm của nhà văn nước ngoài. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ tập trung khai thác mảng văn học Trung Quốc như một lợi thế riêng.

Riêng những đơn vị như First News, Nhã Nam… lâu nay đã gầy dựng được thương hiệu với những thể loại riêng biệt. Trong cuộc chạy đua giành độc giả này, những tác phẩm đã chuyển thể thành phim điện ảnh thành công cũng được các đơn vị tranh nhau mua bản quyền và chuyển ngữ phát hành tại Việt Nam.

Cho nên thay vì tiếp tục cuộc đua best-seller, các đơn vị làm sách cần nỗ lực gầy dựng thương hiệu riêng bằng những bản thảo thật sự có chất lượng.

Văn học Việt và trào lưu best-seller

Nhiều tác phẩm của những người viết trẻ một dạo trở thành những đầu sách best-seller khi chạm vào những đề tài nhạy cảm. Làng văn một thời xôn xao với những cuốn sách xuất bản theo kiểu văn học mạng hoặc khai thác yếu tố sex, đồng tính như Chuyện tình New York, Dị bản, Hồng gai, Bóng… Thế nhưng phần lớn những cuốn sách kiểu này không được giới chuyên môn đánh giá cao, giá trị của tác phẩm cũng chỉ theo trào lưu nhất thời. Khi đó độc giả bị dẫn dụ bởi những lời giới thiệu có cánh của NXB và hiệu ứng từ truyền thông.

Tiêu chí nào để đánh giá sách best-seller?

Không có tiêu chí riêng biệt nào đánh giá một cuốn sách best-seller. Lợi dụng điều đó, có đơn vị phát hành cũng chỉ tự phong cho những đầu sách của mình: top 10 tác phẩm bán chạy trong tuần của đơn vị mình (bất kể số lượng phát hành là bao nhiêu). Với sách Việt, phát hành được vài ngàn bản đã được xem là sách best-seller. Trong khi đó, chưa bàn đến chất lượng nội dung, những đầu sách được cho là best-seller của nước ngoài ít nhất cũng phải đạt con số 15.000 bản và được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng.

Các đơn vị phát hành sách cũng cố tình nhập nhằng số liệu để lập danh sách bán chạy hằng tuần nhằm thu hút độc giả. Từng có trường hợp một cuốn sách chỉ bán được trên 500 quyển đã mặc nhiên được liệt kê trong danh sách best-seller nhiều tuần liền của một đơn vị phát hành sách trên mạng.

VIÊN VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm