Mặt trận phía tây những ngày đầu chống dịch COVID-19

Ngày dịch bùng phát ở TP.HCM, Trân đang ở Cần Thơ. Theo dõi tivi, báo, đài và bạn bè, những con số khiến Trân nhấp nhổm, lòng như lửa đốt. Trân nói làm bác sĩ (BS) mà không giúp được gì cho mọi người lúc này thì có lỗi vô cùng. Nhưng đi bằng cách nào để đến TP cũng là cả vấn đề. Trân gọi điện thoại nhờ GS Khôi giúp đỡ.

PGS-BS Lê Minh Khôi tự hào khi được sống, được làm việc với những đồng đội lăn xả, kiên trì bám trụ tới hôm nay. Ảnh: NGUYỄN Á

Đi theo xe chở heo để được về TP.HCM chống dịch

Cô gái ấy là Lê Việt Trân (30 tuổi) học ĐH Y Cần Thơ. Nữ BS 30 tuổi chẳng bao giờ ngờ được có ngày mình sẽ lên TP.HCM bằng xe chở heo. “Là BS lên TP hỗ trợ chống dịch, tôi được thu xếp xe. Nhưng xe cấp cứu đang quá tải, đi rước bệnh nhân còn khó nữa, chỉ dùng đưa tôi từ Cần Thơ lên TP thì uổng quá nên tôi ráng bắt xe đò. Tôi tìm xe hàng chở trái cây từ Bạc Liêu lên TP.HCM nhưng không được. Tôi đứng giữa xa lộ ngoắc xe, hên có xe chở heo lên TP nên tôi được quá giang đi cùng” - Trân cười.

Nữ BS trẻ về TP.HCM vào những ngày tháng 8. Lên xe lạ cũng lo lắm chứ. Cô phải nhắn tin cho người nhà và bạn bè biết để nếu có chuyện gì, không liên lạc được thì còn biết cô ở đâu để mà kiếm. May mắn cô gặp bác tài nhiệt tình, dễ thương.

Hơn ba tháng gắn bó với trận địa COVID-19, BS Trân nói bài học lớn nhất cô nhận được chính là kiến thức thực tế, là một thanh xuân rực rỡ đã được trui rèn trong gian nan đại dịch. “Tôi đi hoàn toàn tự nguyện. Tôi mong được đóng góp gì đó cho xã hội vào thời điểm lúc đó. Tôi muốn học hỏi. Tôi nghĩ phải thực sự bước ra chiến trường mới biết cách cầm súng. Trong chuyến đi này tôi đạt được cả hai mục đích” - Trân cười.

Lê Minh Khôi là BS Việt Nam đoạt giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc nhất của Đức từ năm 2005 đến 2007 trên toàn nước Đức. Cũng trong năm 2007, anh là người Việt Nam duy nhất trong 451 nhà khoa học trẻ trên thế giới tham dự cuộc gặp mặt lần thứ 59 các nhà khoa học đoạt giải Nobel thế giới tại Anh. Vô vàn cơ hội ở lại xứ người nhưng BS Lê Minh Khôi đã quyết định trở về Việt Nam đến nay. 

“Cùng lắm là mình chết!”

Có một chiến trường thời bình không tiếng súng, không bom đạn nhưng có hơn 20.000 con người đã vĩnh viễn nằm lại. Chiến trường khốc liệt ấy cũng là để rèn binh. Nhiều BS trẻ tâm sự rằng cuộc đời họ đã đi qua vô số giảng đường nhưng giảng đường ở mặt trận phía tây là giảng đường khốc liệt nhất. Tuổi trẻ của họ ở đó, đau thương nhưng cũng rất tự hào. Và người thầy thầm lặng đứng sau những bài học ấy, người họ mang ơn là PGS-TS Lê Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 (BV ĐH Y Dược TP.HCM).

Bước vào cuộc chiến khi vaccine vẫn chưa được phủ khắp như hiện tại, khi chỉ một bệnh nhân lỡ xuống tìm đồ cũng đủ biến cả phòng thành F1, phải cách ly… BS Lê Minh Khôi xác định “cùng lắm là chết!”.

“Trường hợp xấu nhất có lẽ là chết. Rồi tôi tự hỏi nếu không chết, sau này mình có chết không? Nếu sống thêm 30 năm nữa mà cứ sống nhàn nhạt, không dám sống với ước mơ, không dám vào những nơi như thế này thì khác gì đã chết. Sống vậy còn có ý nghĩa gì nữa. Sống vật vờ như vậy, nghĩa là chỉ chờ đủ ngày đủ tháng mới đi chôn thôi. Chết trước 30 năm mới được đi chôn thì cuộc đời này khổ quá!” - BS Lê Minh Khôi nói.

Ngày bước chân vào cuộc chiến trường kỳ này, anh đã dặn vợ con hai việc. “Tôi không tin tôi chết. Nhưng lỡ như xui lắm bị chết thì cái thứ nhất tôi nói với vợ là ai thương thì cưới đi, đừng để già quá, cô ấy tuổi lớn rồi. Thứ hai là đốt tro tôi để đó cũng được. Nếu không để đó được thì đem ra sông Hồng rải một ít, về lại sông Hương rải một ít, về sông Trà Bồng của tôi (quê BS Lê Minh Khôi ở Quảng Ngãi) rải một ít và về sông Cửu Long thả xuống một ít. Coi như là tôi đã sống toàn bộ ở dải đất này. Còn mà không được nữa thì xuống sông Cần Giờ thả, coi như tôi cũng về với biển thôi. Vợ tôi bảo tôi nói tầm bậy tầm bạ. Nhưng tôi chỉ muốn vậy…” - PGS Lê Minh Khôi cười hiền.

Là điểm tựa tinh thần của hàng ngàn con người nhưng trong những giai đoạn khó khăn nhất, những ngày “mệt quá thân ta này/ nằm xuống với đất muôn đời…”, anh không dám ra lầu ba, lầu bốn bởi sợ lỡ như có một ý nghĩ trầm cảm nào đó đột khởi xuất hiện trong đầu mình. Anh nói BS cũng như bao nhiêu người khác thôi: Cũng là con người bằng xương bằng thịt, cũng có gia đình, vợ con, cũng có người thân nhiễm bệnh, cũng có những ngày khủng hoảng tột cùng.

Nhưng điều quan trọng là “được làm ngành y trong khoảnh khắc này, trong những ngày tháng khốc liệt là điều hạnh phúc nhất. Vì có rất nhiều người mong muốn làm được điều gì đó trong lúc này nhưng họ không thể làm” - PGS Lê Minh Khôi nói. Anh tự hào khi được sống, được làm việc với những đồng đội lăn xả, kiên trì bám trụ tới hôm nay.

Mới đây, BS Lê Minh Khôi ra mắt cuốn sách Phía Tây thành phố. Anh viết về những đồng đội của mình khi tham gia điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh thời gian qua - những câu chuyện khá “dịu dàng” dù được viết trong mắt bão COVID-19.

Xin được trích những dòng mở đầu cuốn sách Phía Tây thành phố của BS Lê Minh Khôi để tạm kết bài viết:

“Rồi mình sẽ đi qua những chiều thưa bóng nhân gian,

Phố sẽ xúng xính, xênh xang như chưa từng hoang vắng

Hạt bụi bay trên vỉa hè cũng long lanh màu nắng

Những môi cười sẽ biếc xanh như nụ mới

Nhất định ngày ấy sẽ tới…”.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm