Năm COVID-19 thứ hai, tình trạng nghỉ không lương, đi làm nửa tháng đã không còn xa lạ với nhiều nhân viên làm việc trong các khách sạn, resort.
Mất việc hai lần vì dịch
Ngô Thị Diệu Hương (23 tuổi, Quảng Trị) từng làm việc tại một resort ở Đà Nẵng. Dịch bùng phát, quản lý resort cắt giảm nhân sự khiến cô và nhiều đồng nghiệp chỉ có thể làm việc 3-4 ngày/tuần.
Một thời gian ngắn sau, Hương bị nghỉ việc hẳn vì resort không có khách. Cô đành phải về quê ở Quảng Trị, chờ dịch qua đi để quay lại làm việc. Hương bộc bạch: “Tôi cảm thấy khá chán nản và hụt hẫng. Lúc mới ra trường, tôi kỳ vọng vào nghề du lịch vì nó phát triển tốt ở Đà Nẵng, dễ tìm việc. Đùng một cái thì dịch tới”.
Anh Trần Đức Thịnh (bên trái) giao lưu cùng khách hàng tại quán bia
của mình. Ảnh: KC
Ba tháng từ khi nghỉ việc, thấy tình hình dịch không khả quan, cô xin vào làm việc ở quán cà phê với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng. Dù không bằng ở resort nhưng nó đủ để cô trang trải cho cuộc sống ở quê. Dù vậy, cô vẫn không từ bỏ niềm yêu thích với nghề. Tháng 4 năm nay, Hương nộp đơn ứng tuyển vào một resort mới mở ở Quảng Bình và được nhận. Nhưng chỉ chưa đầy một tháng, dịch COVID-19 lại bùng phát trở lại. Resort tạm thời đóng cửa, Hương phải nghỉ việc lần hai.
“Chưa kịp vui mừng thì tôi đã phải thất vọng. Tôi lại phải quay về tình trạng thất nghiệp, trong khi đáng lẽ ra nếu không có dịch thì tôi đã có công việc ổn định ở Đà Nẵng rồi” - Hương chán nản nói.
Tìm hướng đi mới hay tiếp tục gắn bó với nghề?
Tốt nghiệp vào đúng mùa dịch, nhiều sinh viên ngành du lịch hoang mang vì không biết nên đi con đường nào: Kiên trì theo đuổi ước mơ hay rẽ hướng tìm lối đi mới?
Lê Thị Kim Hoài (22 tuổi, TP Thủ Đức) đã lựa chọn con đường thứ hai. Hoài thi vào Khoa du lịch bởi cô mong muốn “được đi nhiều hơn, học hỏi được nhiều điều mới lạ, có cơ hội tiếp xúc với nhiều người và mức lương hấp dẫn”.
Cô trải qua hai chuyến thực tập ở Côn Đảo và Đà Lạt vào thời điểm dịch COVID-19 còn phức tạp. Hoài kể lại, lúc đó nhiều khách sạn và resort đóng cửa, những nơi chưa đóng thì cũng cắt giảm nhân sự và không cần thực tập sinh. Vì vậy, cô và các bạn đã gặp nhiều khó khăn để tìm nơi thực tập.
Hoài chọn trải qua một cái tết xa nhà, làm thêm giờ vào các dịp lễ, tết để được trở thành nhân viên chính thức. Nhưng từ tháng 3, dịch bùng phát khiến khách du lịch đến Đà Lạt giảm mạnh. Hoài chỉ có thể làm nửa ca với mức lương không đủ trang trải cuộc sống.
Hoài đã nghỉ việc và trở lại TP.HCM tìm một hướng đi mới. Cô trải lòng: “Tôi cảm thấy ngành du lịch hiện tại rất khó phục hồi và phát triển trong điều kiện dịch bệnh. Nếu phục hồi cũng cần một thời gian khá dài. Và tôi còn phải trang trải cho cuộc sống. Nhiều bạn cùng khóa, đồng nghiệp của tôi cũng đã bỏ nghề, từ bỏ ước mơ của mình”.
Trái ngược với Hoài, Đặng Trần Hoàng Yến (24 tuổi, Đà Lạt) lại lựa chọn con đường kiên trì theo đuổi ước mơ của mình. Cô tốt nghiệp ngành du lịch vào năm 2019 và làm việc tại resort ở Phú Quốc. Vì dịch COVID-19, Yến và nhiều đồng nghiệp phải nghỉ việc. Sau vài tháng ở nhà, cô tìm được công việc mới tại resort ở Đà Lạt. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, dịch COVID-19 quay lại. Cô tự nhủ dù phải tạm nghỉ việc như trước đây, bản thân vẫn quay lại với công việc này.
“Tôi rất mong hết dịch nhanh chóng để ngành này được hồi phục. Một số đồng nghiệp của tôi đã phải chuyển ngành. Có người kinh doanh, có người giao hàng và có một số người thất nghiệp. Tuy nhiên, khi dịch ổn và ngành được hồi phục thì tôi tin tất cả mọi người ở ngành này sẽ quay lại vì niềm đam mê và tình yêu nghề” - Yến bộc bạch.
Kim Hoài (thứ năm từ trái sang) cùng đồng nghiệp làm việc trong resort
khi dịch chưa phức tạp. Ảnh: NVCC
Chuẩn bị cho sự trở lại “lợi hại hơn xưa”
Dịch COVID-19 được người trong ngành du lịch gọi là “trải nghiệm khủng khiếp chưa từng có”. Tuy vậy, nhiều người gắn bó với nghề lâu năm đã lựa chọn kiên trì với nghề, tìm kiếm một công việc mới để cầm cự, chờ dịch qua đi. Họ tận dụng thời gian này để bổ sung kiến thức, rèn luyện sức khỏe để chuẩn bị năng lượng cho sự trở lại.
Anh Trần Đức Thịnh (45 tuổi, quận 1, TP.HCM) là một trong số đó. Anh là chủ của công ty du lịch chuyên về Inbound (tour du lịch Việt Nam dành cho đối tượng khách quốc tế), Outbound (tổ chức chuyến đi du lịch nước ngoài theo nhóm cho khách trong nước) và tổ chức sự kiện.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, anh Thịnh đã phải cắt giảm nhiều nhân sự của công ty. Anh tận dụng kinh nghiệm và vốn tích lũy để mở một cửa hàng nhỏ, nấu bia theo kiểu truyền thống của Đức, nhập bia Bỉ bán tại nhà tạm thời.
Với anh, việc kinh doanh này mang lại thu nhập “tinh thần” không bằng làm du lịch, bởi du lịch là nghề anh yêu thích, gắn bó hơn 20 năm. Nhưng nó đủ để anh duy trì hoạt động của công ty. Anh cho rằng: “Làm trọn vẹn, chỉn chu nghề mình làm trong mùa dịch, đề phòng tình hình dịch sẽ kéo dài hơn là cách để tôi sẵn sàng trở lại với nghề du lịch trong lương lai”.
Còn ông Lê Nhật Tân (55 tuổi, Bình Thạnh) lại lựa chọn thời gian này để “rèn kiếm mài nghề”. Với 10 năm là hướng dẫn viên du lịch trong và ngoài nước, ông xem đại dịch như một tour du lịch dài ngày, với nhiều sự cố có thể xảy ra. “Một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp phải có sức chịu đựng tốt, tính linh hoạt cao, biết tùy cơ ứng biến cho từng trường hợp cụ thể. Đây như một cuộc sát hạch khắc nghiệt để chọn ra những người thực sự yêu nghề và quyết tâm bám nghề” - ông khẳng định.
Ông và nhiều đồng nghiệp đã tận dụng thời gian đầu giãn cách xã hội để tổ chức các hội thảo online trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp. Sau đó, khi nhận thấy thị trường du lịch còn đóng băng, ông quyết định tìm một công việc mới và học thêm.
Ban ngày, ông làm nhân viên bảo vệ tại một bệnh viện ở quận 5, tối đến ông theo học lớp thạc sĩ du lịch tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Dù phải căng sức làm việc và học tập 14-15 tiếng mỗi ngày nhưng khi nói về điều này, ông vẫn cười: “Tôi làm việc để có tiền trang trải cuộc sống, đi học để nâng cao kiến thức. Khi dịch qua đi, ngành du lịch phát triển trở lại thì tôi cũng sẽ “quay lại và lợi hại hơn xưa”.
Ngành du lịch Việt Nam sẽ lại phát triển mạnh mẽ sau dịch Cơn đại dịch nào cũng sẽ chấm dứt. Khi đó, ngành du lịch lại phát triển một cách mạnh mẽ bởi đó là nhu cầu tự thân của con người. Và để phát triển sau dịch, ngành du lịch vẫn cần nhiều hơn nữa nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt là đối với Việt Nam, đất nước có nguồn tiềm năng du lịch chưa được khai thác triệt để. Ông LÊ NHẬT TÂN, hướng dẫn viên du lịch |