Phát hiện bãi cọc Bạch Đằng thời Trần tại Hải Phòng

Ngày 19-12, ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể Thao TP Hải Phòng cho biết sau khi tiến hành khai quật tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên), Viện Khảo cổ đã phát hiện một di tích cổ, dấu hiệu bãi cọc Bạch Đằng giang từ thời Trần, với 29 cọc lim lớn, vát nhọn.

Dấu vết ban đầu được ông Nguyễn Tuân Triệu, thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê phát hiện vào chiều 1-10, trong lúc đào vườn. Ông Triệu đào được hai cọc gỗ, bề mặt màu nâu đen, hình trụ dài 3-4 m, đường kính khoảng 30 cm, một đầu vát nhọn, nhẵn bóng. Người dân cho rằng đây là cọc Bạch Đằng từ thời Trần đánh quân Nguyên Mông xâm lược nên đã trình báo chính quyền.

Khu vực cơ quan chức năng khai quật phát hiện bãi cọc Bạch Đằng liên quan trận chiến đánh quân Nguyên Mông lần 3

Theo ông Quý, Sở Văn hóa -Thể thao phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng và UBND huyện Thủy Nguyên đã tiếp nhận mẫu cọc gỗ từ người dân để giám định. Tiếp đó, Viện Khảo cổ thành lập đoàn, khảo sát khu vực này và phát hiện tiếp chín cọc gỗ khác... Kết quả giám định, các cọc gỗ có niên đại từ năm 1270-1430 sau Công nguyên.

Từ kết quả khảo sát kết hợp với tài liệu lịch sử văn hóa dân gian, cơ quan chức năng xác định bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ có liên quan tới trận chiến nhà Trần đánh quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng.

Sau khi tiếp nhận báo cáo của cơ quan chức năng cùng các căn cứ khảo sát, Bộ VH-TT&DL đã ra quyết định cho khai quật khảo cổ khu vực cánh đồng Cao Quỳ nơi phát hiện các cọc gỗ thời xưa.

Kết quả khai quật đến lúc này, cơ quan chuyên môn đã tìm thấy tổng cộng 29 cọc gỗ. Bãi cọc gỗ được xác định là lòng sông bị bồi lấp từ rất nhiều năm trước. Các cọc đóng sâu trong bùn đen lẫn cát. Thân cọc có ngoàm để luồn dây kéo hoặc mộng giữa cọc để giằng ngang. Cơ quan chức năng cũng nhận định bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ có từ thời nhà Trần đánh quân Nguyên Mông, lần thứ ba, năm 1288.

Xa xưa, xã Liên Khê thuộc tổng Trúc Động, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Thời nhà Trần, khu vực này được Trần Hưng Đạo đặt làm căn cứ Trúc Động, thực hiện đánh chặn các chiến thuyền của quân Nguyên Mông khi thủy quân của địch rút lui theo cửa Bạch Đằng để thoát ra biển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm