Phát hiện các dấu tích mới của trận chiến Bạch Đằng

Mùa hè vừa qua, một số đoàn khảo cổ đã khai quật thám sát khu di tích Bạch Đằng (phường Yên Giang, xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Tại đây, họ phát hiện nhiều dấu tích, hiện vật quan trọng liên quan đến trận thuỷ chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3 (năm 1288) của vua tôi nhà Trần.

Cụ thể, đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học do TS Lê Thị Liên chủ trì khi khai quật thám sát trên phạm vi rộng 75 ha ở cánh đồng Yên Giang đã phát hiện một cọc gỗ hình trụ có đường kính khá lớn (27-28 cm), cao 1,2 m, chân được đẽo vát nhiều nhát nhỏ, cắm vào lớp bùn nâu, chạm đến lớp cát đáy sông.

Sự có mặt hiếm hoi của cọc gỗ này, theo TS Liên, đã chứng minh một lần nữa các kết luận trước đây về quy mô bãi cọc và cách đóng cọc của quân dân nhà Trần. "Việc nghiên cứu chi tiết về địa tầng và phạm vi phân bố các di vật góp phần quan trọng vào việc diễn giải chiến lược, quá trình chuẩn bị, quy mô và diễn biến của trận chiến năm 1288", bà Liên nói.

coc-go-chien-thang-bach-dang-7700-141266

Cọc gỗ được tìm thấy ở bãi cọc Yên Giang chứng minh một lần nữa quy mô bãi cọc và cách đóng cọc của quân dân nhà Trần.

Đoàn khai quật do TS Nguyễn Việt (Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á) chủ trì phát hiện được một đoạn xương ống dài 5 cm, có dấu vết băm gãy nham nhở ở một đầu và vết chặt vắt chéo ở đầu kia. Sau khi đối chiếu sinh học và nghiên cứu vết băm, chặt, các nhà khảo cổ kết luận đây là đoạn xương cẳng tay trái của người, phần sát với xương quay vai.

"Không phải không có cơ sở để giả định đó là vết tích liên quan đến thương tích của con người trong trận chiến Bạch Đằng năm 1288", TS Nguyễn Việt nói. Theo ông, lịch sử Việt Nam diễn ra nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, trong đó có nhiều trận chiến với sự tham gia của hàng chục nghìn tướng sĩ, quân dân của cả hai bên như: Bạch Đằng, Sông Cầu, Chi Lăng... Thông thường ở gần khu có dân cư sinh sống, sau mỗi trận chiến các vũ khí, xác chết đều được thu gom. Tàn tích trận chiến còn lại theo thời gian rất ít, nhưng không phải không có. 

Trước đây trong một số cuộc khai quật ở phạm vi bãi cọc Bạch Đằng, 5 phần di cốt khác đã được phát hiện. Sau khi nghiên cứu và định tuổi carbon phóng xạ cho thấy, những xương người này ít nhiều liên quan đến trận chiến năm 1288.

xuong-nguoi-bach-dang-4370-1412664817.jp

Đoạn xương người có vết chặtmới được khai quật trong khu vực bãi cọc Bạch Đằng. Hiện vật này đã được tạm bàn giao bảo quản cho Bảo tàng Bạch Đằng, trực thuộc Trung tâm Văn hoá Thông tin Thể thao của Thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).

Một đoàn công tác khác của cán bộ Viện Khảo cổ học khi đào thám sát tại khu vực bãi cọc Yên Giang (tháng 5/2014) phát hiện nhiều đồ gốm sứ có niên đại kéo dài từ thời Đại La (thế kỷ 10) đến sứ Móng Cái (thế kỷ 20), nhưng đa số thuộc thời Trần (thế kỷ 13-14).

Những phát hiện khảo cổ mới trên được các chuyên gia có mặt trong Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 49 (tổ chức vào cuối tháng 9) đánh giá là quan trọng, phác họa rõ nét hơn về các cuộc thủy chiến của người Việt khi các đạo quân xâm lược phía Bắc tràn xuống qua đường biển, củng cố thêm cứ liệu về trận thuỷ chiến năm 1288 chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 của vua tôi nhà Trần.

Theo Quỳnh Trang (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm