Liên quan đến vụ tai biến chạy thận khiến tám người chết tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Trương Quý Dương, Giám đốc BV này, vừa có ý kiến xin từ chức trước đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và các cơ quan liên quan.
Thông tin trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận. Bởi từ khi sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra, ông Dương mới chỉ bị tạm đình chỉ công tác hai lần chứ chưa chịu hình thức kỷ luật nào.
Ông Trương Quý Dương cho biết xin từ chức không phải vì nhận trách nhiệm trong vụ tai biến chạy thận khiến tám người chết. Ảnh: TUYẾN PHAN
Sáng 20-7, ông Trương Quý Dương chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về lý do mình xin từ chức. Theo đó, ông đưa ra quyết định này bởi trách nhiệm, danh dự của người đứng đầu BV, cũng như để tránh ảnh hưởng uy tín của BV và của ngành.
“Một số thông tin cho rằng tôi xin từ chức vì để xảy ra sự cố chạy thận là không đúng. Hai việc này tách bạch nhau. Về vụ chạy thận, lỗi ở đâu thì xử lý đến đó. Với vai trò giám đốc BV, tôi có trách nhiệm ký hợp đồng, chọn đối tác… và đã làm đầy đủ chức trách, anh em trong BV đã thống nhất cao hình thức kỷ luật là khiển trách. Còn việc từ chức là đợi sau khi xử lý xong hậu quả cũng như trách nhiệm của các cá nhân trong sự cố. Từ chức không phải vì nhận trách nhiệm trong vụ chạy thận, không phải là hình thức kỷ luật mà đây là danh dự” - ông Dương nói.
Trước đó, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã để ông Dương tự nhận hình thức kiểm điểm. Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình tự nhận hình thức khiển trách. Tại cuộc họp ngày 19-7 của BV này cùng đại diện Sở Y tế, 70% phiếu kín đồng tình với hình thức kỷ luật nói trên. Dự kiến ngày 21-7, hội đồng kỷ luật của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình sẽ họp kiểm điểm và đưa ra hình thức kỷ luật với ông Dương.
Trả lời về việc tại sao đến giờ mới xin từ chức, ông Trương Quý Dương nói rằng thời điểm này là đúng đắn, bởi nếu vội vàng từ chức khi sự cố vừa xảy ra thì giống như "bỏ của chạy lấy người". Sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, khắc phục xong hậu quả sự cố, ông mới có quyết định.
Thông tin thêm, ông Dương cho biết phía BV đang tích cực hoàn thành các công đoạn để đưa Đơn nguyên chạy thận nhân tạo hoạt động trở lại. Sau khi được tháo niêm phong, hiện BV đã xây dựng kế hoạch và báo cáo Sở Y tế. Nếu khả quan, khoảng một tháng nữa, đơn nguyên này sẽ tiếp tục phục vụ bệnh nhân.