Năm 1991, bà N. (Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) có chung sống như vợ chồng với ông T. Sau đó, vì mâu thuẫn nên bà ra khỏi nhà khi đang mang thai. Đứa bé trai sinh năm 1993, được mang họ mẹ. Sau đó, ông T. kết hôn với người khác có hai đứa con trai và ly hôn vào năm 2003.
Vợ cũ phủ nhận con riêng của chồng
Cuối năm 2005, ông T. đột ngột qua đời nên hai mẹ con bà N. trở về dự đám tang. Cháu bé được bà con bên nội coi là cháu đích tôn. Họ lập biên bản xác nhận cháu là con của ông T. và hứa chia cho cháu một phần di sản thừa kế. Trên cơ sở này, bà N. xin chính quyền xác nhận ông T. là cha cháu bé. Bà nộp hồ sơ ngày 13-4-2006 và bốn ngày sau thì được UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân ra quyết định công nhận cha, con.
Người vợ đã ly hôn của ông T. không đồng ý với quyết định trên. Tuy nhiên, UBND phường đã bác đơn khiếu nại của bà. Thấy vậy, bà đã khởi kiện đến TAND quận Bình Tân để yêu cầu hủy quyết định trên. Ngày 31-7-2007, TAND quận Bình Tân đưa vụ án ra xét xử.
Viện dẫn khoản 2 Điều 34 Nghị định 158 ngày 27-12-2005 của Chính phủ, tòa này cho rằng UBND phường đã làm sai. Lẽ ra sau khi nhận đơn, UBND phường phải thông báo cho những người liên quan biết, nếu sau năm ngày mà không có ai tranh chấp thì mới ra quyết định công nhận cha, con.
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 32 Nghị định 158: “Việc nhận cha, con được thực hiện nếu bên nhận, bên được nhận là cha, con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha, con và việc nhận cha, con là tự nguyện, không có tranh chấp”. Căn cứ điều khoản này, tòa cho rằng vào thời điểm bà N. gửi đơn thì ông T. đã mất nên bà N. không có đủ điều kiện để đăng ký việc nhận cha, con.
Tòa này còn cho rằng việc UBND phường Bình Trị Đông B chỉ căn cứ vào các giấy tờ xác nhận của người thân ông T. để xác nhận mối quan hệ cha con giữa ông T. với cháu bé là không đúng. Muốn chính xác, các bên phải giám định gien theo các điều 63, 64 Luật Hôn nhân và gia đình.
Sau cùng, đại diện của UBND phường đã đồng ý rút lại quyết định công nhận cha, con nêu trên. Bà Phan Ngọc Hà, cán bộ tư pháp phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, giải thích: “Gần hai tháng sau khi ra quyết định công nhận cha, con thì UBND phường nhận được đơn của mẹ ông T. xin nhận cháu nội. Để tránh được những dư luận không hay, phường sẽ giải quyết lại hồ sơ theo trình tự khác”.
Phường đúng, tòa sai?
Do bà N. không kháng cáo và VKSND các cấp cũng không kháng nghị nên bản án sơ thẩm trên đã có hiệu lực. Song nhiều ý kiến cho rằng việc TAND quận Bình Tân thụ lý và giải quyết đơn kiện của người vợ cũ của ông T. là sai quy định.
Theo luật định, người khiếu nại phải là người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp đến quyết định hành chính, hành vi hành chính; quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại nếu không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại sẽ không được thụ lý, giải quyết. Ở đây, quyết định công nhận cha, con của UBND phường Bình Trị Đông B không liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ cũ ông T. Một thẩm phán tòa hành chính TAND TP.HCM nhận xét: “Người vợ cũ chỉ được đại diện theo pháp luật cho hai đứa con chưa thành niên, chứ không thể trực tiếp đứng ra khởi kiện. Nếu chưa ly hôn thì bà mới có tư cách khởi kiện”.
Đồng tình với quan điểm trên, một cán bộ hộ tịch Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng: “Khi ra quyết định công nhận cha, mẹ, con, cán bộ tư pháp dựa trên hai nguyên tắc cơ bản là tự nguyện và không có tranh chấp. Trong trường hợp này, nếu có một người đàn ông nào đó tự nhận là cha của đứa bé thì các cơ quan chức năng mới xem xét, giải quyết”.
Đi sâu vào nội dung, cách xét xử của tòa cũng không chuẩn xác. Theo khoản 2 Điều 34 Nghị định 158, trong thời hạn năm ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, UBND cấp xã sẽ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con. Trường hợp cần phải xác minh, thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá năm ngày. Nghị định này không yêu cầu phải thông báo cho những người liên quan, lại nữa người vợ cũ ông T. không được xem là người liên quan.
Được biết, cách đây hơn một tuần, bà N. lại tiếp tục gửi đơn xin nhận cha cho con. Hiện tại, UBND phường Bình Trị Đông B đang chờ Sở Tư pháp TP.HCM hướng dẫn cách thức giải quyết đối với trường hợp đặc biệt này.
Không thể giám định gien của người chết Tìm hiểu thêm từ Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), chúng tôi được biết cơ quan giám định chỉ có thể giám định xương của người chết. Nếu đứa bé đó là con trai, ngoài các em cùng cha khác mẹ, cơ quan giám định có thể căn cứ vào kết quả giám định gien của ông nội hay chú, bác ruột của đứa bé (tức cha, anh, em trai ruột của người chết) để kết luận được mối quan hệ cha-con giữa đứa bé với người chết. Chỉ khi không có những người thân trên thì cơ quan giám định mới áp dụng biện pháp giải mã cuối cùng là giám định xương của người chết. Bấy giờ, các chuyên gia sẽ lấy xương của người chết và mẫu của người sống (như mẫu máu, tế bào, móng tay...) để xác định quan hệ cha-con. Một bức ảnh, một ý kiến... cũng là chứng cứ Bà N. hoàn toàn có đủ điều kiện để đăng ký việc nhận cha, con. khoản 2 Điều 32 Nghị định 58 cho phép người con đã thành niên hoặc người giám hộ của người con chưa thành niên được làm thủ tục nhận cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Riêng việc xác nhận cha, mẹ, con có thể nói chứng cứ xác nhận rất rộng. Đó có thể là xác nhận của chính quyền địa phương về việc người cha và người mẹ có chung sống trong khoảng thời gian đứa bé được mang thai; ảnh gia đình chụp chung; ý kiến hai bên nội, ngoại... Hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào bắt buộc phải giám định ADN khi nhận cha, mẹ, con, ngay cả khi đương sự là người nước ngoài. |
ÁI PHƯƠNG