Dự thảo BLDS (sửa đổi) đưa ra Quốc hội (QH) thảo luận chiều 25-6 được đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch đánh giá là đã tiếp cận được những giá trị căn bản, cốt lõi của luật dân sự trên thế giới. Qua đó, pháp luật dân sự của Việt Nam và các nước “tìm được ngôn ngữ chung để chia sẻ giá trị”.
Từng tham gia QH khóa IX, trực tiếp biểu quyết thông qua BLDS đầu tiên năm 1995, ông Lịch cho biết QH khóa IX làm rất kỹ, mất 10 ngày thảo luận, biểu quyết để thông qua từng điều luật vốn có ý kiến khác nhau. Đến nay, các chuyên gia pháp lý từng tham gia quá trình soạn thảo hồi đó rất mừng vì “nhiều đề xuất trước đây chưa được chấp nhận thì giờ đã được tiếp thu đưa vào dự thảo sửa đổi”.
Bảo vệ người thứ ba ngay tình như thế nào?
Tuy nhiên, đi vào chi tiết thì dự thảo vẫn còn những nội dung gây tranh cãi.
Chẳng hạn, quy định tại Điều 133 dự thảo bảo vệ hoàn toàn quyền sở hữu của người thứ ba ngay tình cho dù có giao dịch trước đó bị tuyên vô hiệu đang có hai quan điểm khác nhau.
ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) không đồng ý cách tiếp cận này mà cho rằng quyền của người thứ ba ngay tình chỉ nên được bảo vệ theo giá trị giao dịch và được bồi thường thiệt hại. Còn tài sản trong giao dịch ngay tình đó phải được trả lại cho chủ sở hữu đích thực của nó.
ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng quy định quyền cá nhân về hình ảnh của mình chưa sát thực tế trong cuộc sống. Ảnh: TTXVN
Trong khi đó, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lại đồng tình với điều khoản này. Theo ông, BLDS năm 1995 không bảo vệ tuyệt đối quyền của người thứ ba ngay tình nên nhiều trường hợp, trong lĩnh vực nhà đất, chủ sở hữu đích thực biết rõ tài sản của mình đang bị giao dịch và có người khác vô tình mua phải vẫn mặc kệ. Họ cứ để dây dưa một thời gian dài rồi mới kiện ra tòa yêu cầu tuyên vô hiệu giao dịch của người thứ ba ngay tình đó. “Nguyên tắc của giao dịch dân sự là thiện chí, trung thực. Chủ sở hữu hơn ai hết phải biết quản lý, bảo vệ tài sản cũng như các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hay quyền sử dụng của mình. Để xảy ra tranh chấp thì tự chủ sở hữu có phần lỗi. Do đó không thể đẩy phần rủi ro cho người thứ ba vô tình giao dịch, mua bán tài sản đó được” - ông Vinh nêu ý kiến.
Cũng bình luận về điều khoản này, ĐB Trần Du Lịch cho rằng quy định như dự thảo là cần thiết để đảm bảo giá trị pháp lý cao của tài sản đã đăng ký sở hữu hợp pháp, giúp các bên yên tâm trong đời sống kinh tế - dân sự. “Trong giao dịch dân sự, có trường hợp bị vô hiệu tuyệt đối, có trường hợp chỉ vô hiệu một phần. Cũng như vậy, bảo vệ quyền cho người thứ ba ngay tình không có nghĩa là tước quyền khởi kiện. Chủ sở hữu chính đáng của tài sản vẫn có quyền kiện ra tòa để được phán xét về mức độ ngay tình đó” - ông Lịch nói.
Con của mẹ đơn thân chỉ được lấy họ mẹ?
Bên cạnh đó, trong dự thảo vẫn còn những quy định chưa thật chặt chẽ, chưa bao quát được hết thực tế cuộc sống.
Chẳng hạn, Điều 32 về quyền của cá nhân với hình ảnh của mình quy định việc sử dụng hình ảnh của người đã chết phải được sự đồng ý của vợ (chồng), con hoặc cha, mẹ của người đó. ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng như vậy là chưa sát thực tế. Bà Kim Chi lấy ngay ví dụ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không có vợ con, cha mẹ cũng đã mất từ lâu, vậy thì người sử dụng hình ảnh của nhạc sĩ sẽ phải xin phép ai? “Tôi đề nghị sửa lại là phải được sự đồng ý của người thừa kế, như thế mới bao quát hết được” - bà Kim Chi đề xuất.
Tương tự, Điều 631 quy định người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Trong khi Điều 665 lại quy định người được tặng cho di sản không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại. Điều này theo bà Kim Chi là bất cập: “Ví dụ, người chết để lại 600 triệu đồng, cùng nghĩa vụ trả nợ 400 triệu đồng. Nhưng lại di chúc tặng cho người bạn 200 triệu đồng, phần còn lại chia cho vợ con. Vậy chẳng lẽ vợ con phải trả hết khoản nợ kia mà người bạn không phải gánh nghĩa vụ gì?”.
Cũng trong dự thảo, Điều 26 về quyền với họ, tên quy định trường hợp phụ nữ độc thân có con thì họ của con được xác định theo họ của mẹ. Bà Kim Chi cho rằng như vậy là cứng nhắc bởi hoàn toàn có trường hợp mẹ đơn thân muốn lấy họ một người mà mẹ yêu mến làm họ cho con.
Trẻ sinh ra do mang thai hộ mang họ ai? Dự thảo BLDS (sửa đổi) chưa bao quát trường hợp trẻ sinh ra do mang thai hộ. Lúc đó cháu bé sẽ mang họ của người mẹ mang nặng đẻ đau hay họ của người cha, người mẹ đã gửi nhờ người đó mang thai? Khoa học đã cho phép lấy tinh trùng của người chồng vừa mất vì tai nạn giao thông để người vợ thụ thai, duy trì nòi giống và trên thực tế đã có những trường hợp như thế. Vậy đứa trẻ sinh ra có mất quyền thừa kế theo luật vì lý do cha mất trước khi nó ra đời hay không? Đây đều là những vấn đề thực tiễn mà BLDS (sửa đổi) cần dự liệu và điều chỉnh. ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa, Bắc Ninh |