Bình ổn hay bất bình thường?
TS Nguyễn Đình Chiến - Học viện Tài chính cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến giá xăng dầu của Việt Nam đắt hơn Mỹ và một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia song thuế không phải là nguyên nhân chính khiến giá xăng Việt Nam cao. Theo ông Chiến, thực tế xăng ở Việt Nam đang rẻ hơn so với một vài quốc gia khác như Campuchia, Lào.
TS Nguyễn Đình Chiến cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%, thuế bảo vệ môi trường (1.000 đồng), thuế giá trị gia tăng là 10% không thể thay đổi được và thực ra không phải là mức cao.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Chiến cũng nhận thấy một thực tế không thể chối cãi: riêng với thuế nhập khẩu xăng dầu thời gian qua cũng đã thay đổi thường xuyên. Có một số trường hợp tăng lên, giảm xuống để phù hợp với cơ cấu giá.
Thời điểm nền kinh tế khó khăn đối với doanh nghiệp và người dân, theo TS Nguyễn Đình Chiến, xu thế chung sẽ phải giảm thuế.
"Chắc chắn trong thời gian tới thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ giảm để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm tác động đến giá cả của nhiều mặt hàng khác", TS Nguyễn Đình Chiến nói.
|
Ý kiến của nhiều chuyên gia cho thấy nên giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp và người dân |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính cũng cho biết, việc giảm thuế xuống mức thấp hơn hoàn toàn có thể được thực hiện thay vì chỉ dùng biện pháp bình ổn thị trường, quỹ bình ổn không đủ sức giữ giá xăng ổn định, vì vậy giá xăng mới tăng nhanh.
“Nhà nước có thể thay đổi chính sách ở những thời điểm nhất định, khi nhà nước hạ mức thuế xuống thì đương nhiên giá xăng dầu sẽ giảm. Ví dụ năm 2009-2010 nhà nước có chính sách kiềm chế không cho tăng giá nên xăng dầu có mức giá rất thấp”, ông Nguyễn Minh Thụy dẫn chứng.
Tránh sốc thì tăng nhiều lần...
TS Ngô Trí Long - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả, cho rằng trong các loại thuế, phí xăng dầu thì chỉ có thể giảm được thuế nhập khẩu: "Thuế là nguồn thu quan trọng của nhà nước nhưng trong bối cảnh tình hình giá xăng dầu thế giới đang tăng, doanh nghiệp trong nước khó khăn, sức mua hạn chế thì chính phủ nên chia sẻ lợi ích, nên giảm thuế nhập khẩu từ 2% đến 3%".
|
Giá xăng dầu đã liên tục tăng 5 lần trong năm nay với mức tăng cao nhất là 420 đồng/lít vào ngày 7/7 |
Bình luận về ý kiến của đại diện Bộ Tài chính đưa ra tại cuộc họp báo ngày 8/7 vừa qua cho biết Bộ Tài chính đã cân nhắc mọi phương án điều hành giá xăng dầu, thuế là một khoản thu quan trọng của ngân sách nên phải cân nhắc rất kỹ nếu tăng hoặc giảm thì cũng phải từ từ, tránh gây sốc, TS Ngô Trí Long cho rằng: "Bộ Tài chính lúc nào cũng muốn ngân sách đầy túi nên việc giảm thuế sẽ khó khăn".
Theo đánh giá của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, câu chuyện lỗ Nhà nước bù thông qua tiền thuế, lời doanh nghiệp bỏ túi vẫn diễn ra do doanh nghiệp xăng dầu duy trì tình trạng độc quyền, Nhà nước trao cho họ cơ chế định giá độc lập.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng 5 lần liên tiếp, tăng giá là 1.440 đồng/lít xăng, lần tăng giá gần nhất là vào ngày 7/7, tăng 410 đồng/lít, trước đó 2 tuần đã có tăng 330 đồng/lít. Nghĩa là chỉ trong 2 tuần đã tăng 740 đồng/lít.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính đưa ra nhận định trái ngược với ông Nguyễn Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính: “Việc điều chỉnh giá xăng dầu đã được tính toán rất kĩ với mức tăng rất kiềm chế, nếu không sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá giá xăng còn tăng cao hơn nữa”.
Ông Tuấn cho rằng, ngày 7/7 giá xăng đáng lẽ ra phải tăng 918 đồng/lít nhưng do xả quỹ bình ổn gần 500 đồng/lít nên chỉ phải tăng 410 đồng/lít.
Theo cách giải thích này thì quỹ bình ổn xăng dầu đã bù vào giá xăng hơn 50%, suy ra từ các lần tăng giá xăng thì giá thực tế đáng lẽ phải cao gấp đôi giá bán???