Xăng giảm giá, nhiều hàng hóa vẫn đứng im

(PLO)- Đến thời điểm này, các nhà cung cấp hàng hóa cho siêu thị và chợ truyền thống vẫn chưa giảm giá sản phẩm theo giá xăng dầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Xăng giảm giá, nhiều hàng hóa vẫn đứng im

Khi giá xăng dầu liên tục tăng đã đẩy giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau, gạo, mì, dầu ăn… leo thang chóng mặt. Thế nhưng khi giá xăng dầu liên tiếp giảm với tổng mức gần 7.000 đồng/lít thì giá hàng hóa vẫn đứng im, thậm chí tiếp tục tăng. Điều này khiến người tiêu dùng bức xúc.

Rất khó hiểu

Ghi nhận tại thị trường Hà Nội cho thấy sau khi giá xăng dầu giảm mạnh, giá một số mặt hàng đã giảm theo nhưng không nhiều. Đơn cử dầu ăn Simply giảm khoảng 1.000-2.000 đồng/can so với trước; giá rau muống giảm từ 10.000 đồng/bó xuống 5.000 đồng/bó.

Giá thịt heo bán lẻ vẫn còn ở mức cao. Ảnh: TÚ UYÊN

Giá thịt heo bán lẻ vẫn còn ở mức cao. Ảnh: TÚ UYÊN

Tuy nhiên, đa số mặt hàng vẫn chưa hạ nhiệt. Thậm chí, một số loại thực phẩm còn tăng giá. Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một cửa hàng tạp hóa tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, thừa nhận: “Giá các mặt hàng sữa vẫn tăng, mỗi thùng tăng hơn 10.000 đồng. Mỹ phẩm, bột giặt cũng tăng mạnh. Để giữ cho giá không tăng, nhà sản xuất điều chỉnh từ bao 6 kg xuống còn 5,7 kg nhưng giá thành vẫn thế”.

Anh Nguyễn Văn Quyến, chủ một cửa hàng tạp hóa, cho hay các mặt hàng mì ăn liền cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm. Thậm chí mới đây, giá một thùng mì tăng hơn 10.000 đồng, cá biệt có loại trong vòng một tháng đã tăng giá hai lần. Ví dụ, mì Hảo Hảo trước chỉ bán khoảng 105.000 đồng/thùng thì giờ lên 110.000 đồng/thùng.

Một số mặt hàng rau củ cũng tăng giá mạnh trong vài ngày gần đây. Như cải chip tăng từ 20.000 lên 25.000 đồng/kg, hành lá tăng rất mạnh từ 40.000-50.000 đồng lên 60.000 đồng/kg trong khi hồi đầu năm chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tạm hạ nhiệt

Trong ba ngày trở lại đây, giá heo hơi giảm gần 10.000 đồng/kg, hiện dao động quanh mốc 67.000-68.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại một chợ truyền thống, giá thịt heo bán lẻ tại thị trường TP.HCM vẫn còn cao. Đơn cử thịt ba rọi 130.000-140.000 đồng/kg, cốt lết 120.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 160.000-170.000/kg.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây có công điện yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương… khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt heo trên thị trường. Qua đó thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt heo, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định.

Mặt hàng đáng chú ý là thịt, trứng tăng rất mạnh. Chị Đoàn Thị Dung (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết giá xăng đã giảm mạnh nhưng mấy ngày nay đi chợ thấy các mặt hàng thịt, trứng lại tăng giá, rất khó hiểu. Theo đó, trứng gà ta tăng từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/chục, trứng vịt tăng từ 28.000 đồng lên 34.000 đồng/chục.

Các tiểu thương giải thích nguyên nhân khiến các loại rau tăng giá mạnh do ảnh hưởng của thời tiết khiến lượng hàng về ít, giá cao hơn. Còn với các mặt hàng khác, họ đang nghe ngóng, đợi giá xăng dầu giảm thêm nữa mới tính toán chuyện có giảm giá hay không.

Chọn mua những mặt hàng giảm giá

Trong khi hàng hóa tại các cửa hàng tạp hóa, chợ tăng, giảm trái chiều thì giá hàng hóa tại các siêu thị cơ bản không có nhiều thay đổi. Đại diện một chuỗi siêu thị tại quận Ba Đình (Hà Nội) thừa nhận rằng giá hàng hóa bán tại siêu thị không lên xuống như giá xăng mà vẫn cố định như trước. Khi có sự thay đổi giá phải có sự đàm phán giữa siêu thị và nhà cung cấp.

“Gần đây giá xăng dầu đã giảm nhưng giá hàng hóa tại siêu thị cũng chưa thể giảm ngay được. Sức mua cũng giảm một chút vì giá hàng hóa tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu hơn” - vị đại diện siêu thị này cho biết.

Đại diện một số siêu thị ở TP.HCM cũng cho hay khi xăng dầu tăng giá mạnh đã nhận được đề nghị tăng 5%-30% (tùy nhóm hàng) của các nhà cung cấp. Tuy nhiên, sau khi xăng dầu giảm giá mạnh, siêu thị yêu cầu nhà cung cấp tính toán điều chỉnh giảm thì chưa nhận được hồi âm.

Ông Lê Hữu Tình, đại diện Siêu thị Emart, cho biết trong bối cảnh các nhà cung cấp vẫn chưa điều chỉnh giảm giá hàng hóa, siêu thị đã chủ động giảm lợi nhuận, tung các chương trình khuyến mãi để kích thích tiêu dùng cũng như chia sẻ khó khăn với người dân. Nhờ vậy sức mua hàng hóa thiết yếu tại siêu thị tăng khoảng10%.

“Khi vật giá leo thang, người tiêu dùng ngày càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm hàng hóa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tươi ngon, chất lượng, tốt cho sức khỏe và mức giá phải chăng. Vì vậy, chúng tôi chấp nhận cắt giảm lợi nhuận, giảm giá hơn 200 sản phẩm thực phẩm tươi sống từ nay đến ngày 3-8. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ liên tục khuyến mãi cho nhóm hàng khác, trong đó có một số mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm đến 50%” - ông Tình nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, thông tin đơn vị đang tích cực thảo luận với các nhà cung cấp để xem xét nhanh chóng điều chỉnh giá đối với những mặt hàng chịu tác động bởi giá xăng dầu. Song song đó, tập đoàn đang có chương trình khuyến mãi tại đại siêu thị GO!, Big C dành cho người tiêu dùng. Theo đó, tất cả mặt hàng thịt tươi, cá tươi, rau củ quả giảm 10%-15%.

Đại diện một số siêu thị khác cũng cam kết sẽ nỗ lực đàm phán với các nhà cung cấp để điều chỉnh giảm giá hàng hóa, giúp người tiêu dùng bớt gánh nặng chi tiêu.

Có thể quay lưng với hàng bán giá cao bất hợp lý

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, nhận xét: Khi xăng dầu tăng giá, rất nhiều doanh nghiệp tăng giá hàng hóa theo nhưng khi giá xăng dầu xuống lại ít có đơn vị chủ động giảm giá. Tuy nhiên, cần nhìn nhận xăng dầu tăng giảm liên tục và thất thường chứ không ổn định. Ví dụ, trong kỳ điều chỉnh này giá xăng dầu giảm nhưng đến kỳ điều chỉnh kế tiếp có thể lại tăng nên nhà kinh doanh khó điều chỉnh ngay.

“Qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp và người bán hàng, tôi được biết khi giá xăng dầu tăng, giá hàng hóa tăng nên họ buôn bán khó khăn, lời ít đi và hầu hết đều không muốn tăng giá vì sẽ mất khách hàng, giảm doanh số. Do đó, nếu xăng dầu giảm giá và giữ ổn định trong thời gian dài, chắc chắn nhà kinh doanh sẽ điều chỉnh giảm giá” - bà Thu nói.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM cũng cho rằng để tự bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng nếu thấy giá mặt hàng nào đó quá cao, không hợp lý thì không mua. Khi người bán thấy hàng hóa giá cao, bán không được sẽ tự động giảm nhập về, từ đó theo quy luật cạnh tranh, các nhà sản xuất sẽ buộc phải tự giảm giá sản phẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm