Xe khách "chạy trước"...
Ông Phạm Bá Cường, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô miền Bắc cho biết, từ 11/11, hàng loạt đơn vị vận tải và các tuyến khu vực phía Bắc chính thức niêm yết giá cước mới. Mức giảm ít nhất sẽ là 10%.
"Theo tính toán của chúng tôi, giá dầu diezen giảm 19%, trở về đúng thời điểm của ngày 15/3. Từ bấy đến nay, giá cước bình quân tăng trên 10% nên chúng tôi cũng sẽ giảm đúng mức đó" -ông Cường nói.
Đơn vị "nổ phát pháo" đầu tiên trong việc giảm giá xe khách phải kể đến Công ty Cổ phần vận tải ô tô Nam Định. Giám đốc đơn vị này cho hay, đã hoàn tất thủ tục với các cơ quan địa phương: Giá niêm yết tại bến xe Nam Định và bến xe Giáp Bát từ ngày 11/11 cũng sẽ giảm 10% đối với tất cả 90 xe chạy tuyến Nam Định - Hà Nội, giảm từ 50.000đ xuống còn 45.000đ.
Từ ngày 11/11, nhiều tuyến xe khách bắt đầu áp dụng giá cước mới! (Ảnh: Chí Hiếu) |
PGĐ Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) thông tin: Đến chiều 10/11, có khoảng 10% đơn vị thông báo với bến xin giảm cước. Thực tế, đã có lác đác nhà xe thu tiền của khách ít hơn giá thực in trên vé bằng cách... trả lại tiền cho khách khi khách lên xe.
Họ sẵn sàng chịu thiệt vì như thế, họ vẫn phải nạp phần trăm thuế theo mức giá in trên vé. Hoặc có đơn vị chưa kịp giảm giá thì có thêm hình thức "khuyến mãi" như tuyến Quảng Ninh mới bắt đầu miễn phí nước.
Tại TP.HCM, chiều 10/11, ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông cho biết, tính đến cuối giờ chiều, đã có 15/259 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại bến thông báo giảm giá cước đối với các tuyến xe đò đường dài.
Phần lớn, các doanh nghiệp quyết định giảm giá cước đối với các tuyến xe TP.HCM - Quy Nhơn, TP.HCM - Quảng Ngãi, TP.HCM - Huế... với mức giảm phổ biến 8-10% giá vé hiện tại.
Theo nhận định của Bến xe Miền Đông, trong những ngày tới, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng sẽ tiếp tục thông báo giảm giá cước để có thể cạnh tranh với nhiều hãng “đối thủ” khác. Lý do chủ yếu là do giá xăng dầu giảm, trở về mức xấp xỉ giá xăng dầu cách đây khoảng 4 tháng.
Taxi đã có phương án giảm cước
Không chỉ xe khách đua nhau giảm giá cước, các hãng taxi Hà Nội và TP.HCM cũng rục rịch giảm giá.
Tại Hà Nội, từ ngày 11/11, Hãng taxi Hương Lúa chính thức giảm giá cước. Đây là hãng taxi đầu tiên ở Hà Nội giảm giá cước, đúng 3 ngày sau khi giá xăng giảm thêm 1.000đ/lít.
Từ xe đò, đến taxi... tại TP.HCM đang "rục rịch" giảm giá cước. Ảnh: Trần Duy |
Theo ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch HĐQT Công ty Hương Lúa, cước taxi hãng này sẽ giảm 1.000đ/1km từ 11/11. Giá mới là 8.000đ/km cho 20 cây số đầu. Từ km 21 trở đi giá chỉ còn 6.000đ/km.
Một trong những hãng taxi lớn nhất Thủ đô là Hà Nội taxi đã hoàn tất hai phương án giảm giá cước."Phương án 1 là giảm 500đ/km nhưng có thể chúng tôi cũng sẽ giảm 1.000đ sau khi có buổi làm việc với các doanh nghiệp khác dưới sự chủ trì của Hiệp hội taxi vào ngày 12/11 tới" - Giám đốc Hà Nội taxi Nguyễn Văn Hưởng nói.
Theo ông Hưởng, mặc dù giá của hãng ông dù giảm 500đ hay 1.000đ thì vẫn cao hơn taxi Hương Lúa, Vạn Xuân và nhiều hãng khác khoảng 2.000đ/km, nhưng đó là giá bắt buộc vì tất cả xe của hãng là xe Toyota chứ không phải Matiz hay KiA. Vì thế, hãng ông sẽ cạnh tranh bằng... chất lượng xe!
Giống như Hà Nội taxi, Vạn Xuân taxi cũng đang có 2 phương án giảm cước và dự kiến giảm trong 3 ngày tới. Trưởng Phòng Kinh doanh Phạm Quang Hùng lý giải, đơn vị ông đưa cả phương án giảm 500đ/km bởi vì trong lần giảm giá xăng ngày 18/10, khi cước hầu hết các hãng đứng yên thì Vạn Xuân đã giảm 500đ, xuống còn 8.500đ/km (xe 7 chỗ) và 6.500đ/km (xe 4 chỗ).
Tại TP.HCM, nhiều chủ doanh nghiệp taxi cho biết, giá cước taxi cũng sẽ giảm từ 5-1.000 đ/km. Thời gian giảm dự kiến bắt đầu từ tuần sau hoặc có thể lâu hơn.
Ông Võ Ba, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ngôi sao tương lai (Star Future) cho biết, việc giảm cước taxi của hãng này tùy thuộc vào thời gian cơ quan đăng kiểm hoàn tất thủ tục kiểm định đồng hồ.
Cũng tương tự Star Future, nhiều doanh nghiệp tỏ ra “lúng túng” khi giá xăng dầu lên, xuống liên tục. Hệ quả dẫn đến là mỗi lần muốn thay đổi giá cước đều phải kiểm định lại đồng hồ với giá 70.000 đ/xe. Việc này không những “ngốn” nhiều tiền mà còn làm mất nhiều thời gian của các doanh nghiệp taxi.
Theo tính toán của một nhân viên đăng kiểm, để có thể kiểm định khoảng 7.000 xe taxi trên địa bàn TP.HCM, cũng phải mất hơn 1 tháng.
... Tàu hỏa "theo sau"!
Không chịu đứng nhìn vận tải ô tô giảm giá, ngành đường sắt cũng chính thức bước vào "cuộc đua" giảm cước từ 15/11.
Trưởng Ban Kinh doanh vận tải Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), ông Trần Hữu Tuyên cho biết, chiều 10/11 Tổng Công ty có quyết định bỏ thu phí phí nhiên liệu 3% đối với cước vận tải hàng hóa, thực hiện từ 15/11.
Nhà tàu cũng bước vào cuộc đua giảm cước từ 15/11! (Ảnh: Chí Hiếu) |
"Trước đó, VNR đã giảm 2% phụ thu nhiên liệu sau khi tăng 5% phí này kể từ ngày 25/7 khi giá xăng dầu tăng 30%. Như vậy, sau 2 lần giảm,giá vận tải hàng hóa của VNR đã trở về mức trước 25/7. Đối với vận tải khách, vì khi đó cước hành khách không tăng nên lần này cũng không giảm" - ông Tuyên giải thích.
Một Phó TGĐ Công ty Vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội cho biết, tính chung từ tháng 7/2008 - ngay thời điểm dầu tăng giá, đến nay, giá vé của công ty này đã giảm 20% nhưng vẫn rất ít khách. Thậm chí, tàu đi Huế, đi Vinh mỗi ngày chỉ thu được trên 10 triệu, bằng một chuyến ô tô.
Đơn vị này bắt buộc phải cắt bớt tần suất tàu đi Vinh. Chính vì vậy, nếu giảm giá vé nữa chưa chắc đã có khách nên chủ trương giảm giá vận tải hành khách còn phải cân nhắc.
Theo Trần Duy - Chí Hiếu (VNN)