Như vậy, tổng số ổ dịch quai bị, thủy đậu, tay chân miệng trên địa bàn TP hiện được theo dõi là 18. Đây là con số thực sự không nhỏ khiến cha mẹ học sinh đứng ngồi không yên do nguy cơ tiếp tục lây lan.
Đáng quan tâm, Trường Mầm non 10 (quận 11) xuất hiện cùng lúc chùm bệnh thủy đậu lẫn bệnh tay chân miệng. Trước đó, ngày 13-3, trường này ghi nhận ca tay chân miệng đầu tiên. Hôm sau (14-3), ca mắc thủy đậu đầu tiên xảy ra cũng tại trường này được phát hiện và tiếp tục lây lan. Đến ngày 16-3, trường ghi nhận tổng cộng hai học sinh bị thủy đậu và bốn học sinh mắc quai bị.
Ổ thủy đậu thứ hai được ghi nhận tại Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12). Trường này có 83 lớp học với gần 4.270 học sinh. Ca bệnh đầu tiên phát hiện vào ngày 4-3. Sau đó tiếp tục lây lan các lớp khác và nâng tổng số ca bị thủy đậu đến ngày 16-3 là 12 học sinh.
Tiêm ngừa là biện pháp phòng tránh bệnh lây nhiễm hữu hiệu. Ảnh: TRẦN NGỌC
Trên địa bàn quận 12 cũng xuất hiện ổ quai bị tại Trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu. Trường này có 46 lớp với gần 2.130 học sinh. Ca quai bị đầu tiên ghi nhận vào ngày 6-3 và nâng lên 14 học sinh vào ngày 16-3.
Ổ quai bị thứ hai xảy ra tại Trường Mầm non Đông Lân (huyện Hóc Môn). Ca đầu tiên được phát hiện vào ngày 3-3 và đến ngày 16-3 tăng lên bốn.
Ngoài ra, tám ổ quai bị và năm chùm thủy đậu ghi nhận trước đó tại các trường học trên địa bàn quận 12 và huyện Hóc Môn vẫn đang được tiếp tục theo dõi với gần 120 học sinh bị mắc bệnh.
Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM còn cho thấy từ đầu năm 2017 đến ngày 16-3, TP ghi nhận 122 ca bệnh thủy đậu, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2016 (83 ca). Riêng quai bị, TP ghi nhận 124 ca mắc, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái (66 ca).