Xây cao ốc tại Thư viện Khoa học Tổng hợp?

Gần đây, dư luận râm ran về thông tin “khu đất vàng” trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp (KHTH) TP.HCM ở số 8 Nguyễn Trung Trực (phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) đã được giao cho một doanh nghiệp. Theo đó, “khu đất vàng” này sẽ được dùng để xây dựng cao ốc văn phòng. Thực hư câu chuyện này ra sao?

Cho doanh nghiệp thuê làm văn phòng

Khu đất tại khuôn viên Thư viện KHTH TP được bao quanh bởi bốn tuyến đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Hiện khu đất này đang nằm trong quy hoạch khu trung tâm 930 ha của TP.

Theo tài liệu của PV, tháng 7-2006, lãnh đạo Thư viện KHTH TP có Công văn số 223/TV đề nghị ngưng hợp thức hóa nhà cho người dân có nhà trong khuôn viên này với lý do TP đã có chủ trương xây dựng thư viện thiếu nhi của TP. Cùng thời điểm này, Sở Văn hóa thông tin cũng có Công văn số 2205/CV với nội dung tương tự vì TP đã có chủ trương phát triển Thư viện KHTH TP.

Đến tháng 5-2008, Văn phòng UBND TP có công văn giao Ban Chỉ đạo 09 (Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước) và các sở Tài chính, Xây dựng, Văn hóa thông tin, UBND quận 1 cùng các đơn vị liên quan về việc hoán đổi đất cho người dân trong khuôn viên thư viện này để thu hồi đất đầu tư xây dựng thư viện thiếu nhi.

Tuy nhiên, tháng 6-2011, UBND TP có quyết định cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 thuê khu đất rộng hơn 1.200 m2 trong khuôn viên Thư viện KHTH TP để làm văn phòng làm việc. Thời gian thuê là 50 năm. Quyết định này có nội dung cho phép doanh nghiệp trước mắt tạm sử dụng đất theo hiện trạng, khi đơn vị có nhu cầu đầu tư xây dựng phải tuân thủ theo quy hoạch sử dụng đất của TP. Sau đó, Sở TN&MT đã cấp giấy đỏ cho Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 với mục đích là đất sản xuất kinh doanh với thời hạn sử dụng đến năm 2061.

Thư viện Tổng hợp TP.HCM nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG GIANG

HĐND TP đề nghị UBND TP báo cáo

Hiện nay dư luận râm ran thông tin tới đây sẽ có dự án cao ốc 20 tầng, cao khoảng 80 m mọc lên tại khuôn viên Thư viện KHTH TP. Cao ốc này sẽ có chức năng làm văn phòng, khách sạn. Ngoài ra, việc xây dựng cao ốc này có một số chỉ tiêu về hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chiều cao công trình… không phù hợp với đồ án quy hoạch 930 ha đã được phê duyệt.

Để làm rõ những vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với lãnh đạo Sở QH-KT và được hẹn trả lời thông tin sớm nhất. Trong khi đó, trả lời PV, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, nói: “HĐND TP đã nắm nội dung vụ việc mà báo chí nêu, liên quan đến việc giao khu đất nằm trong khuôn viên Thư viện KHTH được quy hoạch làm thư viện thiếu nhi TP cho doanh nghiệp làm văn phòng. HĐND TP đang yêu cầu UBND TP báo cáo cụ thể bằng văn bản, sau đó sẽ xem xét”.

Theo bà Nhung, đất đã quy hoạch như thế nào thì phải làm đúng theo quy hoạch đó. Việc điều chỉnh quy hoạch phải có ý kiến của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, phải lắng nghe ý kiến của người dân. Lâu nay, UBND TP đều làm theo hướng đó. “Quan điểm của tôi là cố gắng giữ, thực hiện theo quy hoạch, còn nếu phải điều chỉnh thì phải tính tới tổng thể chung. Hiện nay, các thiết chế văn hóa của TP.HCM đang rất thiếu và yếu so với một đô thị đặc biệt như TP.HCM. Đất dành cho các thiết chế văn hóa này cực kỳ quan trọng, cho nên việc điều chỉnh quy hoạch này phải đúng, không được làm sai” - bà Nhung nói.

Vị trí Thư viện KHTH TP.HCM ngày nay trước kia là Thư viện Quốc gia. Nó được xây theo đồ án thiết kế của hai KTS Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiện với sự cộng tác của cố vấn kỹ thuật - KTS Lê Văn Lắm.

Công trình hoàn thành vào cuối năm 1971. Cuối năm 1971, Thư viện Quốc gia được khánh thành và hoạt động từ tháng 2-1972.

Nhà thầu dùng tới 100.000 công thợ, 500 tấn sắt và 27.000 bao xi măng ròng rã ba năm mới xong. Kinh phí xây dựng lên đến 177 triệu đồng. Sau giải phóng, thư viện được đổi tên thành Thư viện Quốc gia II và đến năm 1978 nó chính thức mang tên Thư viện KHTH TP.HCM.

Đây là thư viện lớn nhất Việt Nam vào thời bấy giờ, có kiến trúc hiện đại kết hợp với tính dân tộc. Hiện nay thư viện nằm trong vùng không gian di sản của TP cùng với Bảo tàng Cách mạng và Hội trường Thống Nhất.

GN

Không nên “xà xẻo” đất thư viện

TP.HCM hiện có hai công trình kiến trúc rất có giá trị là dinh Độc Lập và Thư viện KHTH. Hai công trình này chính là những di sản kiến trúc nổi bật của kiến trúc sư Việt Nam thế kỷ 20. Những công trình này đều được bao quanh bốn con đường ngay tại trung tâm TP, vừa có giá trị về mặt kiến trúc, quy hoạch và mỹ thuật.

Tôi còn nhớ đã có đề xuất xây nhà cao tầng trong khuôn viên hội trường Thống Nhất lúc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn làm chủ tịch UBND TP. Khi đó, ông đã hỏi ý kiến của cha tôi (KTS Ngô Viết Thụ - PV). Cha tôi nêu ra những lý do và đề nghị cần phải giữ lại không gian văn hóa của nơi này. Bác Kiệt (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - PV) đã lắng nghe. Đến bây giờ, công trình này không bị xâm hại và còn giữ nguyên được các giá trị lịch sử, văn hóa của Sài Gòn.

Công trình Thư viện KHTH hiện nay đã là rất nhỏ so với một thư viện mang tầm quốc gia tại TP.HCM. Đó là chưa nói đến đất dành cho thư viện phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân TP còn rất thiếu. Do đó, không nên “xà xẻo” đất ở đây để làm nhà cao tầng, đặc biệt là việc xây cao ốc sẽ át đi phong cách kiến trúc của công trình này, phá vỡ không gian văn hóa vốn có của nó. Nếu UBND TP đã chấp thuận cho doanh nghiệp thuê đất thì nên đổi khu đất khác. Nơi này chỉ nên quy hoạch là đất văn hóa, không nên là đất sản xuất kinh doanh, càng không nên xây dựng nhà cao tầng.

TS-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm