Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Ban chấp hành Trung ương vừa ban hành kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Theo đó sẽ xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Trung tâm TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: H.TRƯỜNG

Chưa khai thác hết tiềm năng

Theo đó, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Lắk và TP Buôn Ma Thuột đã nghiêm túc, tích cực thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

TP Buôn Ma Thuột đã có nhiều cố gắng để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng khá cao, quy mô nền kinh tế năm 2018 tăng gấp hai lần so với năm 2010.

Thu nhập bình quân đầu người của TP đạt mức 78 triệu đồng/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp, trong đó ngành dịch vụ phát triển nhanh. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đạt kết quả tích cực, TP đã trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài ra, TP với vai trò đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội giữa Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung và trong quan hệ quốc tế đang từng bước được thực hiện. Văn hóa và xã hội có bước phát triển khá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường được chú trọng.

Tuy nhiên, sự phát triển của TP Buôn Ma Thuột vẫn còn nhiều hạn chế như phát triển kinh tế chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế. Thiếu sự kết nối trong phát triển giữa các ngành theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

TP chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên. Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối với các tỉnh chậm được nâng cấp. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh và khai thác có hiệu quả…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là đầu tư của trung ương và tỉnh cho TP Buôn Ma Thuột chưa được quan tâm đúng mức, vốn đầu tư còn thấp.

Công tác tổng kết thực tiễn và đề xuất với trung ương những cơ chế, chính sách mới, đột phá, phù hợp nhằm giúp TP tạo sự bứt phá trong phát triển để trở thành đô thị trung tâm vùng còn chậm.

Một số cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, nông nghiệp còn chưa hài hòa, công tác quy hoạch chưa tốt dẫn đến việc khai thác tài nguyên chưa hợp lý.

Cần nhiều đột phá

Để xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk cần khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của TP này. Nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác Lào - Việt Nam - Campuchia.

TP cũng cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên; phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao cũng là một điểm mạnh của Đắk Lắk.

Bên cạnh đó tỉnh cần xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển TP Buôn Ma Thuột đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ, giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới...

Phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Xây dựng TP Buôn Ma Thuột thành trung tâm dịch vụ hàng đầu của Tây Nguyên, đủ điều kiện để phát triển mạnh thương mại, logistics, thu hút khách du lịch cao cấp và tổ chức các sự kiện cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến cà phê; xây dựng hình ảnh "Thành phố cà phê của thế giới"…

Ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh Đắk Lắk, nhiều lần nhấn mạnh về việc đầu tư các dự án, nhất là kinh tế hạ tầng giao thông và những tiềm năng trong vấn đề phát triển Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

“Phải mời tư vấn nước ngoài về làm quy hoạch TP Buôn Ma Thuột xứng tầm trung tâm vùng Tây Nguyên. Khi đã có quy hoạch TP, chúng ta sẽ thực hiện đúng theo quy hoạch, không tự ý điều chỉnh phá vỡ” - ông Bùi Văn Cường phát biểu trong cuộc họp mới đây.

Cũng theo ông Cường, việc xây dựng cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang sẽ tạo tiền đề rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk cũng như của Tây Nguyên nói chung.

Ông Cường cho rằng đường cao tốc này có thể giải quyết căn bản điểm nghẽn cho Đắk Lắk cũng như cả Tây Nguyên. Bên cạnh đó việc có tuyến cao tốc này sẽ giải quyết được vấn đề các khu công nghiệp, khu dân cư, góp phần giải quyết thông thương, du lịch…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.