Xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động giữa TP.HCM với các tỉnh

(PLO)- Cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động liên thông giữa TP.HCM với các tỉnh  đem lại lợi ích lớn cho người lao động, doanh nghiệp và nhà nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-11, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM phối hợp với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến liên kết khu vực TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh lân cận.

Cạnh đó là buổi tọa đàm về Xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu lao động liên thông giữa TP.HCM với các tỉnh nhằm phục vụ công tác tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho người lao động, để xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu lao động giữa các tỉnh.

cơ sở dữ liệu
Quan cảnh tọa đàm. Ảnh: VÕ THƠ

Thiếu lao động ở các tỉnh

Tại Hội thảo, một số doanh nghiệp cho rằng mặc dù thực tế nhiều lao động thất nghiệp nhưng doanh nghiệp tìm “đỏ mắt” vẫn không tuyển được lao động.

Bên cạnh đó, khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp gặp phải trong việc tuyển dụng lao động như cần thời gian, chi phí để đào tạo đội ngũ lao động phù hợp với đặc thù công việc của doanh nghiệp.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang Nguyễn Ngọc Phước, hiện nay đa phần người lao động tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường tập trung về TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, nơi có nhiều khu công nghiệp lớn để mưu sinh.

“Đối với tỉnh Hậu Giang, thực tế có nhiều doanh nghiệp đang cần số lượng lớn lao động, đặc biệt là lao động có chuyên môn về công nghệ thông tin làm việc trong các khu công nghệ phần mềm; nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư tuy nhiên không tuyển được lao động”- ông Phước nêu thực trạng.

Theo ông Phước, các doanh nghiệp đang có xu hướng dịch chuyển về các tỉnh lẻ ngày càng nhiều. Tuy nhiên vấn đề tuyển dụng lao động phù hợp với đặc thù từng ngành nghề còn nan giải. Do đó, để tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu lao động cần có chính sách thu hút, kết nối lao động đặc biệt là ở những tỉnh xa xôi.

co-so-du-lieu-1.jpg
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đóng góp ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: VÕ THƠ

Theo đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Đoan Trang, thực trạng của thị trường lao động hiện nay là nhiều người mất việc làm trong khi nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động.

Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn người mất việc thuộc đối tượng lao động phổ thông, tay nghề thấp nên không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng; những đối tượng muốn chuyển đổi ngành nghề từ làm công ăn lương sang tự tạo việc làm.

“Đáng nói, hiện nay có rất nhiều người chỉ chú trọng đến hưởng trợ cấp thất nghiệp, chưa thật sự có nhu cầu về tìm kiếm việc làm mới trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chấp nhận làm công việc thời vụ hoặc lao động tự do để vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa có thêm thu nhập”- bà Trang cho biết.

Qua đó, bà Trang cho rằng bên cạnh tư vấn và giới thiệu việc làm, cần xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu thông tin thị trường, kết nối thông tin thị trường lao động Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh/TP thực sự hoàn chỉnh.

“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, cập nhật, phổ biến thông tin thị trường lao động; cân đối cung – cầu lao động hiệu quả, bền vững”- vị đại diện góp ý.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu cung cầu lao động

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM Nguyễn Văn Hạnh Thục, việc xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu lao động liên thông giữa TP.HCM với các tỉnh là rất cần thiết, đem lại lợi ích lớn cho người lao động, doanh nghiệp và nhà nước.

viec-lam-tphcm-13-tinh-dbscl.jpg
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM Nguyễn Văn Hạnh Thục chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: VÕ THƠ

Cơ sở dữ liệu sẽ giúp người lao động dễ dàng tiếp cận thông tin về các vị trí việc làm, các khóa học nghề…Đối với doanh nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí tuyển dụng và nhanh chóng tìm được ứng viên phù hợp…

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, việc sử dụng cơ sở dữ liệu về cung cầu lao động giúp nâng cao hiệu quả quản lý; tăng cường khả năng dự báo và phản ứng; tối ưu hóa cung cấp cấp dịch vụ công; đẩy mạnh phát triển kinh tế

Hiện tại, Trung tâm Dịch vụ việc làm của mỗi tỉnh/thành đang xây dựng các ứng dụng, website riêng để phục vụ giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề cho người lao động tại địa phương.

“Việc xây dựng một hệ thống dữ liệu ngành với quy mô liên thông lớn giữa TP.HCM và các tỉnh/thành sẽ mất nhiều thời gian, chi phí. Bên cạnh đó, việc thống nhất dữ liệu nguồn, cơ chế vận hành, bảo mật... trong hệ thống là một trong những khó khăn, trở ngại khi thực hiện cơ sở dữ liệu dùng chung”- bà Nguyễn Văn Hạnh Thục nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết thời gian qua tỉnh đã triển khai thực hiện và áp dụng một số ứng dụng công nghệ thông tin như phần mềm “ngân hàng việc làm” trong tư vấn giới thiệu việc làm; website: vieclambinhduong.vn…

Bên cạnh đó, Trung tâm còn sử dụng gói phần mềm tin nhắn SMS Brandname để cung cấp thông tin về sàn giao dịch việc làm cho người lao động và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sàn online trên cả nước hiện nay chưa được kết nối đồng bộ thông suốt do chưa có phần mềm chung, chỉ một số tỉnh tự liên hệ kết nối với nhau, tuy nhiên mỗi tỉnh có mỗi quy trình khác nhau nên sự liên kết vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, cần phải có đội ngũ nguồn nhân lực dồi dào về công nghệ thông tin để có thể vận hành, quản lý hệ thống phần mềm cũng như các thiết bị về công nghệ thông tin.

“Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục đi sâu nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện các công cụ ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là “app việc làm” sẽ sớm được hoàn thiện và đưa vào sử dụng”- vị đại diện cho biết.

Hơn 11.000 đầu việc làm tại TP.HCM và các tỉnh lân cận

Tham gia Sàn giao dịch có 17 Trung tâm Dịch vụ việc làm của các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh lân cận. 29 doanh nghiệp tham gia trực tiếp tại điểm cầu TP.HCM với hơn 2600 vị trí dự kiến sẽ tuyển dụng. 152 doanh nghiệp tham dự tuyển dụng trực tuyến, số lượng lao động tuyển dụng dự kiến trên 11.000 vị trí.

Trong đó tập trung ở các ngành nghề dịch vụ, thương mại, sửa chữa ô tô; xe máy và xe có động cơ khác; vận tải, kho bãi; công nghiệp chế biến, chế tạo; điện, điện tử, nông nghiệp, công nghệ thông tin…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm