Xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhìn từ Bộ luật Hình sự

(PLO)-  Việc quy định về hình phạt và biện pháp xử lý chuyển hướng khi xử lý người chưa thành niên phạm tội vào Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ dẫn đến hàng loạt các mâu thuẫn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo lịch, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024).

Trước đó, tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cũng đã trình bày tờ trình tóm tắt đề nghị xây dựng dự án luật này với 6 nhóm chính sách. Đáng chú ý là việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về hình phạt đối với người chưa thành niên (Hệ thống hình phạt, khung hình); quy định điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; xác định 7 biện pháp chuyển hướng; quy định trình tự, thủ tục và thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng….

Với các nội dung mà TANDTC đề xuất nêu trên thì có một số vấn đề cần phải giải quyết một cách nghiêm túc.

Mâu thuẫn với Bộ luật Hình sự

Hiện nay, Bộ luật hình sự (BLHS) là văn bản duy nhất quy định về tội phạm, hình phạt và các biện pháp xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Việc quy định về hình phạt và biện pháp xử lý chuyển hướng và các quy định tố tụng khác liên quan đến xử lý hình sự người chưa thành niên phạm tội của Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ dẫn đến hàng loạt các mâu thuẫn.

(i) Trái với Điều 2 BLHS năm 2015 là hình phạt và các biện pháp xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phải được quy định trong BLHS. BLHS hiện hành không cho phép bất cứ một văn bản luật nào khác ngoài BLHS quy định về về hình phạt và các biện pháp xử lý hình sự đối với người chưa thành niên. Do đó, việc quy định Luật Tư pháp người chưa thành niên với các nội dung quy định về hình phạt và các biện pháp xử lý hình sự đối với người chưa thành niên là trái với quy định của BLHS hiện hành. Sẽ dẫn đến mâu thuẫn trong hệ thống quy phạm pháp luật hình sự.

Do đó, nếu muốn xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên độc lập với BLHS và BLTTHS hiện hành thì trước hết phải sửa quy định hai bộ luật này. Đây là yêu cầu của nguyên tắc pháp chế khi xây dựng chính sách hình sự mới và xây dựng quy phạm pháp luật hình sự mới.

Một phiên xử người chưa thành niên phạm tội. Ảnh: SONG MAI

Một phiên xử người chưa thành niên phạm tội. Ảnh: SONG MAI

(ii) Về chính sách hình sự: Trong khoa học pháp lý hình sự hiện nay việc quy định các quy phạm pháp luật hình sự vào trong BLHS hay đưa cả các quy phạm pháp luật vào các luật khác phải được tính toán sao cho hợp lý, tối ưu nhất, phù hợp với đặc điểm xã hội, pháp luật của mỗi quốc gia. Vấn đề này cũng đã được tranh luận khi xây dựng BLHS năm 2015.

Thực tiễn quy định của pháp luật hình sự Việt Nam cho thấy chính sách quy định tất cả các quy phạm pháp luật hình sự vào trong BLHS là hợp lý và có truyền thống từ trước đến nay.

Việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất của các quy phạm pháp luật hình sự với nhau, tránh mâu thuẫn với nhau giữa các quy phạm pháp luật hình sự giữa người chưa thành niên và người đã thành niên.

Ngay cả trong BLHS hiện hành giữa các quy định còn có nhiều điểm không đồng bộ, hình phạt được không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm. Do đó, quy định quy phạm pháp luật hình sự trong Luật Tư pháp người chưa thành niên thì không biết các quy phạm pháp luật hình sự sẽ mâu thuẫn như thế nào? Chẳng hạn, mâu thuẫn giữa các quy định về trách nhiệm hình sự người chưa thành niên trong BLHS hiện hành với các quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên là hoàn toàn có thể xảy ra, lúc đó sẽ giải quyết thế nào?

Và như trên đã nêu, khi chưa sửa BLHS thì không thể quy định Luật Tư pháp người chưa thành niên trái với yêu cầu của nguyên tắc pháp chế.

Đồng thời, việc quy định tại nhiều luật, bộ luật sẽ dẫn đến không thuận tiện trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự của người áp dụng pháp luật hình sự. Bởi lẽ, không thể tra cứu cùng một lúc – vừa quy định tội danh, thời hiệu, các tình tiết giảm nhẹ của BLHS, vừa tra cứu quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên. Quy định thêm các quy định pháp luật hình sự ngoài BLHS sẽ dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng đúng các quy định của BLHS.

Sự rắc rối trong việc quy định quy phạm pháp luật hình sự ở nhiều văn bản là không thuận lợi cho người dân trong việc tìm hiểu quy định của luật hình sự và người áp dụng pháp luật trên thực tế. Nhất là khi nó quy định về tội phạm và hình phạt – là các quy định tước bỏ hoặc hạn chế rất nghiêm khắc quyền con người. Đứng về góc độ bảo đảm quyền con người thì quy định pháp luật hình sự ở nhiều văn bản là không ổn.

Cần đồng bộ nhiều định hướng khi xây dựng chính sách

Ngoài ra, các chính sách mà TAND Tối cao đề ra trong Luật Tư pháp người chưa thành niên – cũng chỉ là một số định hướng trong hệ thống các định hướng về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Do đó, việc quá chú trọng một số định hướng – mà quên mất nó phải đồng bộ với định hướng khác như: phi tội phạm hóa hành vi phạm tội của người chưa thành niên trong BLHS năm 2015 sẽ dẫn đến các chính sách được quy định trong Luật Tư pháp người chưa thành niên kém hiệu quả.

Chẳng hạn, Khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau: “2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”. Quy định này so với BLHS năm 1999 đã phi tội phạm hóa rất nhiều đối với người chưa thành niên phạm tội. Hay nói cách khác, chúng ta chuyển một số lớn các hành vi của người chưa thành niên trước BLHS năm 1999 là tội phạm không còn coi là tội phạm trong BLHS năm 2015.

Do đó, dư địa để có thể áp dụng các biện pháp có tính nhân đạo đối với người chưa thành niên như xử lý chuyển hướng là rất hạn chế. Chẳng hạn, một người 15 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về tội giết người (Điều 123 BLHS), tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS), tội hiếp dâm (Điều 141 BLHS) thì rất khó để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng vì nó không phù hợp với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, không phù hợp với mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm