Xây dựng ngành công nghiệp đúng nghĩa: Chừng nào?

“Việt Nam không chỉ chăm chăm thu hút vốn đầu tư doanh nghiệp (DN) nước ngoài (FDI) mà cần có chính sách tốt cho DN nội địa phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo cơ hội học tập công nghệ cao từ các DN hàng đầu thế giới. Nếu không 10-20 năm nữa Việt Nam cũng khó có một ngành công nghiệp đúng nghĩa và DN Việt Nam sẽ không được hưởng lợi gì từ FDI”. Đó là cảnh báo của ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, ở buổi hội thảo “Thu hút đầu tư công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ vào TP.HCM” tổ chức ngày 27-6.

Ốc, vít cũng phải nhập khẩu

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), cho biết các DN công nghệ cao thường nhắm đến các địa điểm có hệ thống ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển để giảm thiểu chi phí và để đảm bảo nguồn cung ứng các yếu tố đầu vào không bao giờ bị gián đoạn. Nhưng hiện nay hệ thống này lại manh mún, yếu kém khiến chi phí đầu tư công nghệ cao cũng như tính rủi ro cao. Các DN FDI đã hoạt động tại nước ta đều phải nhập gần như 90% thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài.

Cần có những chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ DN để phát triển công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Trong ảnh: Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH CNS AMURA Precision, thành viên cùa Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS). Ảnh: QH

Ông Quốc lấy ví dụ: “Những DN nội địa cung ứng bao bì chống tĩnh điện mới chỉ đạt tiêu chuẩn của Việt Nam nhưng lại chưa đạt chuẩn của nhà sản xuất nước ngoài yêu cầu. Chẳng hạn đối với dự án lớn của Tập đoàn Intel, DN này chỉ thu mua tại thị trường Việt Nam được các nguyên vật liệu gián tiếp như bao bì, bàn ghế, xe đẩy, đồ gá… phục vụ sản xuất nhưng với tỉ lệ rất nhỏ, chưa đến 10%, còn 90% là phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hơn nữa vì nguyên vật liệu gián tiếp nên số lượng không nhiều, vòng đời sản phẩm dài và đơn đặt hàng không ổn định. Do đó các DN trong nước không thể yên tâm đầu tư mới máy móc, thiết bị để cung ứng cho tập đoàn này”.

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết hằng năm ngành cơ khí phải nhập khẩu lượng lớn linh kiện phụ tùng với giá trị nhập khẩu gần 3 tỉ USD. Các sản phẩm này không phải chỉ từ các nước vốn có công nghệ hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức mà còn có nguồn gốc từ các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Philippines. Các loại linh kiện nhập khẩu nhiều nhất là ốc vít, e-cu (đai ốc), vòng đệm…; phụ kiện xe máy, bộ phận linh kiện ô tô… Ngành dệt may cũng cùng cảnh ngộ khi DN nội địa chỉ sản xuất được những sản phẩm có giá trị thấp như cúc, xốp, chỉ, dây kéo, khóa, băng dính… Trong khi các khâu tạo sản phẩm có giá trị cao như sản xuất sợi, nhuộm, in hoa, hoàn tất vải… lại phụ thuộc nhập khẩu. Do đó công nghiệp dệt may phát triển chủ yếu theo hình thức gia công, làm theo yêu cầu nguyên liệu, mẫu mã nước ngoài.

Theo ông Hirotaka Yasuzumi, tỉ lệ nội địa hóa của các DN FDI Nhật Bản có tăng trong thời gian qua nhưng tỉ lệ cung ứng từ các DN bản địa Việt Nam chỉ ở mức 11%-14% là rất thấp. Trong khi đó các DN bản địa Thái Lan, Indonesia đều có tỉ lệ cung ứng gấp đôi Việt Nam.

Muốn giỏi phải học từ từ

Chia sẻ kinh nghiệm về thu hút công nghệ cao và phát triển công nghệ hỗ trợ, ông Jin-Seog Choi, đại diện Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), cho biết Việt Nam cần có kế hoạch dài hạn. Ví dụ Hàn Quốc, trước đây cũng như Việt Nam bây giờ nhưng để trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ cao cũng phải học từ nước Nhật. Hàn Quốc chủ động mời DN Nhật sang đầu tư rồi hợp tác, dần dần chuyển giao công nghệ của Nhật, phát triển thành của mình. Việt Nam cũng phải như vậy, không thể “đi tắt” mà có thể đón đầu được, DN bản địa cần học từ từ công nghệ DN nước ngoài chứ DN FDI cũng không dại chia sẻ ngay công nghệ.

QUANG HUY

Cần các chính sách ưu đãi

Chính phủ cần có chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN, tăng thời gian thuê đất. Cụ thể như DN đầu tư vào KCN hỗ trợ được ưu đãi thuế thu nhập DN 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo. Bên cạnh là hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực để chuyển giao kỹ thuật.

Ông VŨ VĂN HÒA, Trưởng ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM

Công nghiệp hỗ trợ theo tiếng Nhật là suso-no có nghĩa là phần dưới chân núi, còn đỉnh núi chính là thành quả thu hút vốn FDI. Nhưng Việt Nam lại yếu phần chân núi, nếu không phát triển nó thì rốt cuộc DN trong nước sẽ không hưởng được lợi ích gì từ FDI. Giải pháp chính sách cũng rất cần cho ngành công nghiệp hỗ trợ, phải giảm lãi suất bằng cách Chính phủ phải mở các quỹ cho vay lãi suất thấp cho DN, lỗ Chính phủ chịu.

Ông HIROTAKA YASUZUMI, Giám đốc JETRO - TP.HCM

Thu hút đầu tư công nghệ cao và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ là một trong những nhiệm vụ chiến lược của thành phố hiện nay và những năm tới. Thành phố sẽ có những chính sách hỗ trợ các DN trong nước lẫn khuyến khích DN FDI vào đầu tư. Đồng thời kiến nghị chính phủ có những đổi mới mạnh mẽ về thúc đẩy DN phát triển công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tạo nhiều điều kiện, cơ hội cho DN FDI gặp gỡ những DN ưu tú của Việt Nam để hợp tác.

Ông LÊ MẠNH HÀ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm