Xây dựng Nhà nước pháp quyền: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương

(PLO)- Dự thảo đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam bắt đầu được chuyển tới 63 Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy để góp ý hoàn thiện. Nhiều nội dung mới được đề cập.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, trách nhiệm, dự thảo đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045 và các tài liệu kèm theo đã được gửi tới tất cả 63 Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy để nghiên cứu. Trong tinh thần ấy, sáng nay 6-6, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án đã mở hội nghị lấy ý kiến 28 tỉnh, thành phía Bắc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng ban Chỉ đạo, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc – Phó Trưởng ban thường trực cùng một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp chủ trì hoạt động quan trọng này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045 phát biểu kết luận hội nghị lấy ý kiến 28 Tỉnh ủy, Thành ủy phía Bắc, tổ chức tại Quảng Ninh, sáng 6-6.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045 phát biểu kết luận hội nghị lấy ý kiến 28 Tỉnh ủy, Thành ủy phía Bắc, tổ chức tại Quảng Ninh, sáng 6-6.

Nhiều vấn đề có tính đột phá

Cho đến thời điểm này, công tác xây dựng đề án đã hình thành hai dự thảo báo cáo tổng hợp đề án, báo cáo tóm tắt đề án, các dự thảo tờ trình Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết Trung ương… Trong đó, nhiều vấn đề hệ trọng, cốt lõi, có tính chất đột phá cho việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong thời gian tới đã được đề cập.

Chẳng hạn, về chế định Chủ tịch nước, tổng hợp ý kiến từ nhiều cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các chuyên đề thuộc đề án đều cho rằng cần thể chế hóa cụ thể hơn.

Hướng là, từ nay tới 2030, trên cớ sở Hiến pháp 2013, cần quy định đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước, đặc biệt là ở vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang, vai trò trong công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh và kiểm soát quyền lực nhà nước.

Việc thể chế hóa Hiến pháp 2013 phải đáp ứng các tiêu chí như Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, là biểu tượng của chủ quyền quốc gia và sự đoàn kết dân tộc; là một trong những thiết chế quan trọng bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

Chế định Chủ tịch nước phải đủ quyền hạn để điều hòa, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước; thúc đẩy sự tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người; quyền công dân; bảo đảm độc lập và trách nhiệm của thẩm phán.

Việc sửa đổi hoặc ban hành mới các luật liên quan đến chế định Chủ tịch nước cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội (QH), Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao.

Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đề án cho biết sau hội nghị này, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức 2 cuộc lấy ý kiến các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khu vực phía Nam.

Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đề án cho biết sau hội nghị này, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức 2 cuộc lấy ý kiến các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên và khu vực phía Nam.

Giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ Trung ương – địa phương

Đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền trong bộ máy nhà nước cũng là một nội dung quan trọng được đặt ra trong quá trình xây dựng đề án.

Là địa phương đăng cai tổ chức hội nghị của Ban Chỉ đạo xây dựng đề án, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh bày tỏ mong muốn Nghị quyết Trung ương tới đây về nhà nước pháp quyền sẽ giải quyết được tốt hơn mối quan hệ cơ bản giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương. Hướng là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn ở tất cả các cấp chính quyền: Trung ương, tỉnh, huyện, xã.

Quảng Ninh đánh giá, 35 năm kiên trì chuyển đổi từ tập quyền XHCN sang pháp quyền XHCN vừa qua gắn liền với việc phân cấp, phân quyền ngày càng lớn hơn cho địa phương. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đồng bộ. Giữa các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước với nhau vẫn còn chồng chéo, cần khắc phục.

Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương trong thời gian tới là phù hợp với xu hướng đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động chính quyền địa phương, nhất là cung ứng dịch vụ công và huy động nguồn lực cho phát triển.

Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng quá trình tăng cường phân cấp, phân quyền tới đây vẫn khẳng định vị trí của chính quyền Trung ương trong việc đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia. Tuy nhiên sự đảm bảo ấy không phải bằng mệnh lệnh, can thiệp hành chính từ trên xuống, mà phải thông qua pháp luật và bằng pháp luật, thông qua kiểm tra, giám sát tuân thủ và hậu kiểm, xử lý nghiêm sai phạm…

Ý kiến của Quảng Ninh được đại diện nhiều đại biểu tham dự hội nghị tán đồng. Cùng với địa phương vùng Đông Bắc này, đại diện Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên, Thanh Hóa, Lào Cai, Bắc Ninh… cũng kiến nghị đề án nhà nước pháp quyền giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ Trung ương – địa phương, để các tỉnh dù lớn hay nhỏ về kinh tế, về diện tích, dân số đều có thể tự chủ một cách cao nhất, phát huy, khai thác được tiềm lực riêng của mình.

Từ nay đến 2030 có thể giảm cấp chính quyền địa phương

Mối quan tâm của các tỉnh, thành chính là một nội dung quan trọng của đề án.

Cho đến lúc này, quan điểm của Ban Chỉ đạo là cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giữa các cấp hành chính nhà nước trên cơ sở lợi thế so sánh và hiệu quả tổng thể của từng cấp; triệt để thực hiện nguyên tắc công việc thuộc cấp nào thì do cấp đó quyết định và tự chịu trách nhiệm.

Chính phủ không quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đã được phân công, phân cấp, phân quyền.

Quá trình nghiên cứu cũng đi đến thống nhất phải đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng giảm cấp chính quyền địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền một cách khoa học, hợp lý; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sáng tạo của địa phương gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Những việc này, Ban Chỉ đạo đề án cho rằng cần làm ngay, chứ không đợi sau 2030.

Tuyệt đối không để lợi ích cục bộ địa phương, lợi ích ngành trở thành rào cản của cải cách, đổi mới

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là thời điểm Ban Chỉ đạo xây dựng đề án cần báo cáo kết quả cũng như lắng nghe ý kiến từ cơ sở để tiếp hoàn thiện đề án, các dự thảo để trình xin ý kiến Bộ Chính trị trước 15-7 tới.

Đã trực tiếp chủ trì, nghe báo cáo nhiều lần quá trình xây dựng đề án, Chủ tịch nước lưu ý khi bàn về chính sách, quan điểm cải cách, đổi mới phải luôn đặt lợi ích đại cục của quốc gia, dân tộc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Tuyệt đối không để lợi ích cục bộ địa phương, lợi ích ngành trở thành rào cản của cải cách, đổi mới.

“Tôi giải thích rõ hơn thế này. Lộ trình từ nay đến trước 2030 là làm sao tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nhà nước pháp quyền trong khuôn Cương lĩnh, Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội Đảng. Sau 2030 đến 2045 thì sẽ có phương hướng trên cơ sở phát triển Cương lĩnh, sửa đổi Hiến pháp. Lúc đó thì nhiều người trong chúng ta không còn làm việc nữa. Như vậy càng cần phải trách nhiệm, vì tương lai đất nước” – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm