Xây dựng nhà vệ sinh công cộng dưới gầm cầu được không?

(PLO)- Sở GTVT TP.HCM cho biết các đơn vị đang rà soát 31 vị trí để xây dựng nhà vệ sinh dưới gầm cầu, tuy nhiên phải đảm bảo yếu tố an toàn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong đã lập kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà vệ sinh công cộng (NVSCC)ở khu vực trung tâm TP.

Theo đó, ông Lê Thành Khoa - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP cho biết công ty sẽ đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác, vận hành NVSCC.

Về quỹ đất, công ty đề xuất UBND TP.HCM giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất và miễn thuế. Đồng thời giao đất với diện tích đủ để xây NVSCC có chỗ đậu xe kết hợp ki ốt kinh doanh để công ty có nguồn thu nhằm duy trì hoạt động, bảo trì, tái đầu tư.

TP.HCM đang rà soát nhiều vị trí để xây dựng NVSCC. Ảnh: ĐT

TP.HCM đang rà soát nhiều vị trí để xây dựng NVSCC. Ảnh: ĐT

Công ty cũng sẽ phối hợp với các đơn vị để khảo sát, xây dựng NVSCC ở gầm cầu vượt, các chân cầu, các dải phân cách rộng của các tuyến đường lớn, các trạm xe buýt, bến xe, công viên...

Với đề xuất xây dựng NVSCC dưới gầm cầu, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết việc đề xuất xây NVSCC tại những nơi như gầm cầu vượt, chân cầu, dải phân cách rộng của các tuyến đường phải đảm bảo các điều kiện công trình thiết yếu theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định 11 của Chính phủ, nhất là các công trình phục vụ yêu cầu an ninh quốc phòng.

Theo ông Hải, khi xây dựng bất kỳ một công trình nào, bao gồm cả NVSCC ở hành lang và khu vực kết cấu của công trình như gầm cầu... thì đều phải xem xét về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ. Sở GTVT và Trung tâm quản lý hạ tầng đường bộ cần rà soát, xem xét.

"Quan trọng nhất là không ảnh hưởng đến kết cấu của công trình giao thông đường bộ theo quy định" - ông Hải nhấn mạnh.

Trước mắt, Trung tâm quản lý hạ tầng đường bộ sẽ xem xét 31 vị trí để có thể bố trí NVSCC dưới gầm cầu.

"Tất cả phải được đánh giá để đảm bảo an toàn cho kết cấu của cầu và đảm bảo các điều kiện an toàn chữa cháy khác" - ông Hải chia sẻ.

Trước đó, TP.HCM cũng đã sử dụng gầm cầu ở trục đường Võ Văn Kiệt để làm nơi trông giữ xe máy. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ và tuân thủ theo đúng quy định, TP đã ngưng sử dụng dạ cầu.

Gần đây, tình trạng cháy nổ dưới dạ cầu diễn ra liên tục, Sở GTVT TP.HCM cũng đã yêu cầu các đơn vị kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm dạ cầu, gây mất an toàn, đặc biệt là vấn đề phòng chống cháy nổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm