Đắk Nông là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước với gần 2.600 ha, trong đó có nhiều giống bơ đặc sản ngon như bơ Cuba, bơ 034, bơ Booth, bơ Hass, bơ sáp (ảnh)... cho năng suất bình quân 10-15 tấn/ha. Trung bình 1 ha bơ cho thu nhập 300-500 triệu đồng/năm.
Chính vì thế, bà Hạnh cho biết: “Để đánh thức những tiềm ẩn về du lịch và kinh tế, vừa tạo thêm thu nhập cho bà con, tỉnh Đắk Nông đang xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện địa phương, nơi có những rừng cây công nghiệp, rừng cây ăn trái, những thắng cảnh đẹp và những giá trị văn hóa đặc sắc”.
Để hiện thực hóa, tỉnh mở màn bằng lễ hội “Đắk Nông - Mùa bơ chín” với nhiều hoạt động giao lưu, quảng bá, xúc tiến thương mại. Nổi bật là hội thảo phát triển bơ bền vững, kết nối cung cầu bơ và các sản phẩm nông nghiệp; hội thi trái bơ ngon và tham quan, trải nghiệm các mô hình nông nghiệp.
Đáng chú ý, đến nay tỉnh đã xây dựng xong đề án du lịch homestay và có kế hoạch hướng dẫn các nhà vườn, trang trại. Trong đó có các vườn bơ, cây ăn quả để tạo các điểm nhấn riêng đặc biệt của Đắk Nông. Tỉnh cũng đang làm việc với tám hộ gia đình có vườn cây ăn trái sẵn sàng phục vụ nhu cầu tham quan, học hỏi kết hợp du lịch sinh thái. Ngoài bơ, tỉnh còn lựa chọn các loại trái cây đặc sản như sầu riêng, măng cụt… để mở rộng các sản phẩm địa phương gắn với du lịch.
Lãnh đạo tỉnh cũng cho hay thông qua sự góp ý từ đại diện các công ty du lịch, tỉnh cam kết tới đây sẽ phát triển nhiều hơn nữa những món ăn đặc sản của địa phương, đặc biệt là các món ăn được chế biến từ bơ. “Điều này không chỉ giúp quảng bá giá trị cũng như hương vị của bơ Đắk Nông mà còn mở ra một lối đi mới cho du lịch ẩm thực” - bà Hạnh nói. Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, cũng chia sẻ tỉnh sẽ đẩy nhanh quá trình truy xuất nguồn gốc cho trái bơ. Qua đó vừa tăng thêm giá trị kinh tế cho trái bơ, vừa tạo dấu ấn về du lịch, ẩm thực của tỉnh.