Sáng qua (5-9), Hội thảo về phát triển giao thông Việt Nam bền vững (Vitranss 2) đã “nóng” lên khi lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ đề cập đến việc phát triển cầu, đường, sông, cảng tại khu vực trong tổng thể phát triển chung của GTVT cả nước...
Nhiều tuyến đường hiện hữu đã già nua
Theo tiến sĩ Iwata Shizuo - Trưởng đoàn nghiên cứu Vitranss 2, để kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển trong 10 năm nữa cần xây dựng ngay hai tuyến đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Ông Bùi Xuân Cường - Trưởng phòng Quản lý giao thông Sở GTVT TP.HCM đặt câu hỏi, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam là tuyến quy hoạch mới hay tận dụng quy hoạch các tuyến cao tốc ngắn đang được triển khai như tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây? Tiến sĩ Iwata Shizuo cho rằng cách phát triển từng tuyến cao tốc khu vực sau đó kết nối dần thành tuyến cao tốc xuyên quốc gia là sự lựa chọn khôn ngoan, phù hợp với tiềm lực kinh tế hiện tại.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang nói cần có thêm nhiều tuyến đường cao tốc trong khu vực, liên vùng. Ví dụ, sau khi đưa vào sử dụng tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM-Trung Lương vào đầu năm 2009 thì cần xây dựng ngay đoạn Trung Lương-Cần Thơ. Ông Nguyễn Túc - Trưởng phòng Kế hoạch và đầu tư, Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho rằng cần xây dựng ngay tuyến cao tốc TP.HCM-Vũng Tàu, thay thế cho quốc lộ 51 hiện đã quá tải. “Lấy các tuyến cao tốc trong vùng Đông và Tây Nam bộ làm đòn bẩy phát triển tuyến cao tốc xuyên quốc gia là quyết sách đúng nhất!” - Ông Túc nói. Còn ông Huỳnh Quốc Việt - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau cho rằng cần sớm xây dựng các tuyến đường bộ tốc độ cao trong khu vực miền Tây Nam bộ kết nối vào các tuyến cao tốc, ví dụ xây dựng tuyến đường tốc độ cao Cần Thơ-Cà Mau thay cho tuyến quốc lộ 1A hiện quá cũ nát, nhỏ hẹp. Tuyến tốc độ cao Cần Thơ-Cà Mau hoặc nhiều tuyến cao tốc khác kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM-Cần Thơ sẽ tạo thành mạng đường bộ liên thông, hoàn chỉnh cho khu vực kinh tế trọng điểm miền Đông-miền Tây Nam bộ.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, cần khôi phục ngay tuyến đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho trước đây để phá thế độc đạo của đường bộ về miền Tây. Đại biểu các tỉnh cũng cho rằng cần sớm khôi phục tuyến đường sắt Sài Gòn-Lộc Ninh và xây mới một số tuyến như TP.HCM-Vũng Tàu, TP.HCM-Cần Thơ...
|
Đường sông - tiềm năng vận tải vô cùng lớn của miền Đông, miền Tây Nam bộ. |
Đừng bỏ quên đường sông
Nhiều đại biểu cho rằng nghiên cứu của Vitranss 2 đã “bỏ quên” tiềm năng vận tải lớn nhất của khu vực là đường sông. Ông Nguyễn Văn Hùng dẫn chứng, tuyến kênh Chợ Gạo dài 18 km nối TP.HCM với miền Tây hiện đã quá hẹp so với lưu lượng tàu thuyền, còn các cầu trên tuyến quá thấp gây cản trở, an toàn cho lưu thông nhưng lại không được đưa vào nghiên cứu. Còn ông Huỳnh Quốc Việt - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau nhấn mạnh trong nghiên cứu phát triển đường sông cần lưu ý đến vấn đề hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa. “Không nên để các khu dân cư, đô thị bám quá sát đường sông, dẫn đến tình trạng đường xây đến đâu, nhà bâu đến đến đó” - ông Việt lưu ý.
Theo tiến sĩ Lý Huy Tuấn - Phó Trưởng ban chỉ đạo dự án Vitranss 2, tất cả các ý kiến nêu trên đều rất nóng, cần giải quyết sớm để phát triển vùng kinh tế chiến lược miền Đông, miền Tây Nam bộ mà TP.HCM là trung tâm.
Vẫn phải tính làn đường cho xe máy Tại hội thảo, đại biểu nhiều tỉnh đặt câu hỏi có nên để xe máy tồn tại và nếu nó tồn tại thì sẽ được tham gia giao thông như thế nào? Theo tiến sĩ Itawa Shizuo, xe máy là phương tiện giao thông độc đáo của Việt Nam. Nó không chỉ phục vụ cho việc đi lại trong nội đô, nội tỉnh mà còn là phương tiện giao thông liên tỉnh, liên vùng. Do đó, trong phát triển cầu đường nội đô, nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng vẫn phải nghiên cứu giành làn đường hoặc đường riêng cho xe máy. Ngay với các đường cao tốc xuyên quốc gia, liên vùng, đường tốc độ cao (có đến bốn làn xe, tốc độ chạy xe đạt đến 80 km/giờ) cũng phải giành cho xe máy làn đường riêng, tách khỏi làn xe tải hoặc tách biệt với dòng xe địa phương... |
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN