Hai lý do cấm xe giường nằm hai tầng
. Cơ sở nào để hai đơn vị đề xuất như vậy?
+ Có hai lý do. Thứ nhất: Nghị định 86/2014 cho phép cả hộ kinh doanh được kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, lữ hành. Nhưng qua khảo sát thực tế, hộ kinh doanh không đủ bộ máy quản lý như ở các doanh nghiệp (DN), HTX chạy xe tuyến cố định. Mặt khác với hộ kinh doanh không đòi hỏi phải có các bộ phận quản lý lái xe, theo dõi ATGT như ở các DN, HTX chạy xe tuyến cố định. Như vậy các quy định về điều kiện kinh doanh và thực tế hoạt động của hộ kinh doanh có phần lỏng hơn.
Theo ông Quyền, các đơn vị có xe giường nằm hai tầng nên đưa xe vào bến chạy tuyến cố định. Ảnh: LƯU ĐỨC
Thứ hai: Đặc thù của vận chuyển hành khách theo hợp đồng, du lịch là hành trình đi phải theo nhu cầu của khách hàng. Như thế đơn vị, hộ kinh doanh không chủ động được hành trình, tài xế cũng gặp khó khăn do ít quen thuộc đường, địa hình. Thực tế các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra với xe giường nằm là do người lái không quen đường.
. Nhưng vẫn có nhiều đơn vị, DN vận chuyển hành khách chuyên nghiệp, có năng lực quản lý, đội xe giường nằm chất lượng tốt. Vậy tại sao lại không cho họ vận chuyển khách hợp đồng, du lịch?
+ Tinh thần chung của thông tư mới là xe khách giường nằm hai tầng không được chạy hợp đồng, du lịch. Các đơn vị, DN có xe thì nên sắp xếp vào các bến chạy theo tuyến cố định.
Không cần chờ bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật
. Tổng cục Đường bộ và Cục Đăng kiểm đang tiến hành cân kiểm tra và dự định bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khách giường nằm hai tầng. Khi cân chưa xong, tiêu chuẩn bổ sung chưa có mà đã quyết định cấm thì có hợp lý không, thưa ông?
+ Tinh thần chung của thông tư mới là không cấm mà chỉ hạn chế sử dụng xe khách giường nằm theo một số hình thức vận chuyển (như hợp đồng, du lịch). Còn tiêu chuẩn bổ sung cho xe khách giường nằm nếu được ban hành là để áp dụng với các xe mới mua, mới lắp ráp. Chứ nếu áp ngay vào xe cũ, xe đang chạy thì nhà xe sẽ phải tốn tiền hoán cải, sửa chữa, nâng cấp.
. Nếu thông tư này ra đời, các hãng hoán cải từ xe giường nằm hai tầng xuống một tầng thì có được chạy hợp đồng, du lịch không?
+ Nếu DN hạ tầng thì được chạy chứ! Nhưng theo khảo sát của chúng tôi thì bên ngành du lịch không “mặn” lắm với việc dùng xe giường nằm hai tầng để chở khách du lịch. Còn xe giường nằm hợp đồng ở các tỉnh thì có rất ít, mỗi tỉnh có chừng 4-5 xe thôi, còn nhiều là ở TP.HCM tới hơn 200 xe. Chúng tôi đã bàn với các địa phương sắp xếp đưa số xe này vào chạy tuyến cố định từ các bến.
. Nhiều DN có xe chạy hợp đồng, du lịch cho rằng lâu nay họ vận chuyển khách bằng xe giường nằm tới TP du lịch. Còn đi thăm các nơi trong TP du lịch đó thì họ dùng các loại xe khác phù hợp. Như vậy cũng đâu phiền toái gì?
+ Điều đó sẽ làm chia cắt hành trình đi tour, gây phiền hà cho khách. Chúng tôi cũng tham khảo bên Tổng cục Du lịch rồi. Họ ít tổ chức các tour đi thẳng có hành trình 500-700 km, mất 10-15 tiếng bằng xe giường nằm. Thường thì chừng 200-300 km đoàn sẽ dừng lại tham quan, ngủ, nghỉ rồi hôm sau đi tiếp. Nếu thế thì sử dụng xe ghế ngồi mềm, ngả ra sau là phù hợp hơn.
Chúng tôi biết việc hạn chế xe giường nằm sẽ gây khó khăn cho một số đơn vị, DN nhưng lộ trình thực hiện là đến 1-1-2016 kia mà.
. Xin cám ơn ông.
. Theo dự thảo thì từ 1-7-2015 sẽ cấm xe giường nằm hai tầng chạy tuyến cố định qua các đường cấp 5 và cấp 6 miền núi. Lý do vì sao, thưa ông? + Thực tế hiện mặt đường ở các tuyến đường cấp 5, cấp 6 miền núi chỉ rộng khoảng 3,5 m. Nên khi hai xe tránh nhau là một bên bánh xe đã lọt ra ngoài lề đường, rất mất an toàn. Qua thực nghiệm của Cục Đăng kiểm, loại xe này chạy trên đường cấp 4 miền núi đến tốc độ 30 km/giờ khi vào, ra khỏi các đoạn cong, cua là đã có nguy cơ lật. Còn nếu chạy trên các tuyến đường cấp 5, 6 miền núi thì còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Từ thực tế trên, chúng tôi đưa ra đề xuất và được Bộ GTVT chấp nhận là cấm hẳn xe giường nằm ở các tuyến đường cấp 5, 6 miền núi. Còn với đoạn, tuyến đường cấp 4 thì cơ quan quản lý cầu đường địa phương có trách nhiệm khảo sát, cắm bảng biển chỉ dẫn, cảnh báo, hạn chế tốc độ ở từng vị trí cụ thể… |