Cần hạn chế ngay tốc độ xe giường nằm

Sau vụ TNGT thảm khốc ở Lào Cai ngày 1-9, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tuyên bố “sẽ cấm xe khách giường nằm hoạt động ở địa bàn miền núi quanh co, nhiều đèo dốc”. Tuyên bố này đang gây ra khá nhiều ý kiến trái chiều…

Xe giường nằm chông chênh, dễ lật

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý ngành giao thông khẳng định: Nguy cơ gặp tai nạn khi đi trên đường đèo dốc của xe giường nằm cao hơn xe khách thông thường.

“Xe khách giường nằm hai tầng thường có độ cao lớn, mỗi khi vào đường cua, dốc hẹp nếu lái xe không làm chủ tốc độ sẽ dễ bị lật hơn nhiều so với xe khách thông thường” - ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, nói. Ông Trí cho biết thêm từ năm 2013 đến nay cả nước đã xảy ra 22 vụ tai nạn liên quan xe khách giường nằm, trong đó 30% số vụ xảy ra trên đường đèo núi.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam và hiện là chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng khẳng định: Xe khách giường nằm thường cao và dài, lại chở hành khách trên tầng hai nên khi đi trên đường miền núi sẽ bị chông chênh. Nếu đi qua các khu vực đèo dốc quanh co, có nhiều góc cua gấp sẽ dễ bị tai nạn hơn so với xe khách thông thường.

Ngày càng nhiều người dân lựa chọn xe khách giường nằm trong các chuyến đi xa. Ảnh: HTD

Đứng ở góc độ là cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, ông Nguyễn Thắng Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cũng thừa nhận điều khiển xe khách giường nằm trên đường đèo dốc, nhiều góc cua khó hơn so với xe khách loại nhỏ. Còn nếu chạy nhanh như xe khách thông thường, chỉ cần lái xe thiếu chú ý quan sát thì nguy cơ gây tai nạn rất dễ xảy ra.

Lái xe Nguyễn Văn Hùng (Nam Định), người có thâm niên bảy năm lái xe khách giường nằm, cũng khẳng định xe giường nằm khó lái hơn nhiều so với các loại xe khách khác. “Khi chạy trên đường đèo dốc thì xe khách giường nằm thường chông chênh, nếu chạy nhanh như xe khách thông thường sẽ rất dễ lật” - anh Hùng nói.

Không nên cấm đồng loạt ở toàn miền núi

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, việc ngày càng nhiều người dân lựa chọn xe khách giường nằm cho thấy phương tiện này có nhiều điểm hữu ích. Do vậy nếu cấm xe khách giường nằm hoạt động ở toàn bộ khu vực miền núi là không phù hợp. “Theo tôi chỉ nên cấm xe giường nằm chạy ở các tuyến đường từ tỉnh về huyện, còn trên các tuyến quốc lộ thì không nên cấm. Bởi những năm qua, hầu hết các tuyến quốc lộ đều đã được cải tạo, nâng cấp kể cả là đường lên các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Sơn La…”.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng ngoài việc hạn chế cho chạy trên các tuyến đường trên cũng cần phải có các giải pháp căn cơ về cơ sở hạ tầng, đăng kiểm và đội ngũ lái xe. Ngay từ bây giờ phải rà soát, bổ sung các biển báo hạn chế tốc độ của xe khách giường nằm khi chạy trên đường đèo dốc, đường miền núi. Đồng thời, đưa nội dung dạy điều khiển xe khách giường nằm vào chương trình đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Ở góc độ cơ quan quản lý về mặt tiêu chuẩn, kỹ thuật, ông Nguyễn Hữu Trí cho rằng ngoài việc khoanh vùng hoạt động của xe khách giường nằm, Cục Đăng kiểm sẽ siết chặt hơn về kỹ thuật như bổ sung quy định về trang bị búa phá cửa, tăng cửa thoát hiểm. Ngoài ra, sẽ xem xét giảm số giường trên xe từ 50 giường xuống còn 25-30 giường và không bố trí giường tầng để hạ thấp trọng tâm xe khi lưu thông.

T.VĂN - M.PHONG

Chạy đúng tốc độ thì không lật xe

Theo ông Nguyễn Thắng Quân, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn xe khách giường nằm phần lớn xuất phát từ lái xe do không làm chủ tốc độ, thiếu quan sát. Tuy nhiên, cũng có một bất cập là hiện quy định về tốc độ chưa phân biệt giữa xe khách giường nằm và xe khách thông thường. Do đó khi đi trên đường đèo dốc, nếu lái xe vẫn chạy theo tốc độ quy định sẽ dễ gây tai nạn. Ngoài ra, do chủ yếu chạy vào ban đêm, vắng bóng lực lượng tuần tra kiểm soát nên các lái xe chủ quan, chạy nhanh, chạy ẩu dẫn đến gây tai nạn.

Lái xe Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn vẫn là do lái xe thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ. Còn nếu chấp hành đúng các quy định thì tai nạn khó xảy ra được.

4.550 xe khách giường nằm đang hoạt động trên cả nước, theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trong đó có gần 860 xe được hoán cải từ xe ghế ngồi thông thường (điều này bị cấm từ tháng 4-2014), 80 xe nhập khẩu từ Trung Quốc và hơn 3.600 xe sản xuất, lắp ráp mới.

Tai nạn chủ yếu do ý thức lái xe

Nguyên nhân gây ra tai nạn đối với xe giường nằm phần lớn do sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật cũng như kỹ thuật điều khiển phương tiện của tài xế chưa tốt.

Đại tá NGUYỄN NGỌC TUẤN - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt

(Nguyễn Dân ghi)

Đừng cực đoan cấm hẳn

Mỗi khi đi Đà Lạt gia đình chúng tôi thường chọn đi xe giường nằm vào ban đêm để tiết kiệm thời gian. Trên xe chúng tôi có thể ngủ được nên không phải vật vờ mệt mỏi như khi đi xe ghế ngồi. Do vậy, tôi đề nghị cần có biện pháp quản lý phù hợp, chẳng hạn giới hạn tốc độ xe giường nằm chứ không nên cực đoan cấm hẳn.

NGUYỄN ÁNH NGUYỆT (quận 4, TP.HCM)

Nên có lộ trình

Việc cần làm ngay là phân tích lợi hại của xe giường nằm, nguyên nhân gây tai nạn và nếu có đủ cơ sở thì cấm. Nhưng khi cấm cũng phải thực hiện từng bước, trước tiên bằng việc khống chế, không cho loại hình này phát triển nữa chứ ngay lập tức cấm thì chắc chắn sẽ gây khốn đốn cho nhà xe. Tiếp theo sẽ cấm ở một số nơi, ví dụ đường đèo dốc nhiều thì cấm trước, chỗ ít cấm sau…

Ông LÊ TRUNG TÍNH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM

Không nên sản xuất thêm xe hai tầng

Khả năng lật của xe hai tầng cao hơn xe một tầng vì trọng tâm cao hơn. Do vậy, để giảm khả năng lật xe thì cần hạ thấp trọng tâm xe, vào cua với tốc độ chậm hơn. Ngoài ra, khi xe đổ dốc thì lái xe không nên thắng gấp, khi leo dốc nên chạy chậm ở số thấp. Tuyệt đối không được sử dụng xe buýt hai tầng ở TP để chở khách đường dài vì kết cấu khung, thùng xe không đảm bảo an toàn.

Theo tôi, không nên sản xuất xe hai tầng nữa vì gần như cả thế giới không nước nào sản xuất, sử dụng nữa. Những xe đang hoạt động thì nên khống chế ở các đoạn đường ngắn, không cho chạy đường đèo núi.

PGS-TS NGUYỄN HỮU HƯỜNG,
khoa Kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm