Xe máy đi vào cao tốc: Đừng đổ thừa Google Map

Trước tình trạng hàng loạt xe máy đi vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong thời gian qua, nhiều người bày tỏ ái ngại bởi hành vi này không chỉ nguy hiểm cho chính người điều khiển xe máy mà còn làm ảnh hưởng tới những tài xế khác.

Bên cạnh đó, nhiều người thắc mắc liệu có thực sự việc xe máy đi “nhầm” vào đường cao tốc là do Google Map chỉ sai đường?

Chia sẻ với PV, anh Minh Đăng (người dân quận 9, TP.HCM) cho hay: “Tôi nghĩ việc xe máy đi vào cao tốc là cố tình chứ đừng có đổ lỗi cho Google Map. Bản thân tôi luôn dùng ứng dụng này để di chuyển theo lộ trình và thấy chưa bao giờ sai cả”.

Ở góc độ chuyên gia, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, chia sẻ: Một người biết sử dụng Google Map thì không thể chạy “nhầm” vào cao tốc được. Trên Google Map có chỉ rõ hành trình di chuyển cho ô tô, xe máy, đi bộ, xe buýt… Việc của người sử dụng ứng dụng này là chọn loại phương tiện cho đúng. Việc đi sai và cố tình đi sai là hết sức nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông.

Xe máy đi vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày 30-12-2019.  (Ảnh cắt từ clip)

Đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E), đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thông tin: Việc xe máy đi vào cao tốc này xảy ra khá nhiều, chỉ trong năm 2019 đã có 5.272 trường hợp. Trong đó có 3.649 trường hợp đi theo hướng TP.HCM - Dầu Giây và 1.623 trường hợp đi theo hướng ngược lại.

VEC E lý giải các tài xế điều khiển xe máy đi vào cao tốc đa phần không biết đường hoặc không phải người dân địa phương. Sau đó họ đã mở Google Map để đi nhưng mặc nhiên để chế độ đi ô tô mà không chuyển lại chế độ xe máy nên mới xảy ra tình trạng này.

Ngoài ra, một số người cố tình lựa chọn cao tốc làm lộ trình di chuyển để rút ngắn hành trình hoặc có một số người là người dân địa phương ở gần cao tốc cũng cố tình đi đường này cho gần.

VEC E cho biết đầu đường cao tốc có chốt chặn để cấm các phương tiện xe máy di chuyển vào. Sau đó phương án của Bộ GTVT đã bỏ hết các chốt trực, dẫn đến các phương tiện xe máy khi đi nhầm vào đường cao tốc sẽ không có người cảnh báo, nhắc nhở. Tuy nhiên, trên tuyến đường cũng có gắn biển báo cấm xe máy không được phép lưu thông.

Cũng theo VEC E, đối với các trường hợp khi đi vào đường cao tốc sẽ bị chặn lại tại các trạm thu phí, sau đó được hướng dẫn đi ra khỏi đường cao tốc qua đường dân sinh. Đối với các trường hợp cố tình vượt qua trạm thu phí sẽ được thông báo đến các trạm thu phí kế tiếp và đội tuần tra để phối hợp chặn lại, bàn giao cho C08 xử lý theo quy định. Trường hợp không có C08 ở hiện trường thì VEC E sẽ ghi lại vào sổ nhật ký hằng ngày.

Để đảm bảo an toàn giao thông cũng như ngăn chặn tình trạng xe máy lưu thông trên đường cao tốc, VEC E cho hay đơn vị sẽ tăng cường công tác tuần tra trên tuyến nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các chủ phương tiện tham gia giao thông theo đúng quy định. Các nhân viên phân làn tại các trạm thu phí chốt chặn và hướng dẫn phương tiện xe máy đi ra khỏi đường cao tốc. Đặc biệt, VEC E có phối hợp với CSGT để xử lý các xe máy vi phạm.

Ngày 30-12-2019, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh hai người ngồi trên xe Exciter chạy ngược chiều tại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngay làn trong cùng khiến nhiều tài xế ô tô, người dân bức xúc.

Anh Điền, người ghi lại clip này, cho biết khi anh đi đến quận 2 thì thấy hai người đi xe máy ngược chiều trên cao tốc này (hướng về Mai Chí Thọ). Nhiều tài xế phải nhá đèn vì bất ngờ. Lúc này, các ô tô đều đang chạy rất nhanh, song người điều khiển xe máy vẫn phớt lờ chạy bình thường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm