Cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng cao và mua một chiếc ô tô cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, khi thị trường có quá nhiều lựa chọn lại khiến cho người tiêu dùng hoang mang không biết nên đi với chiếc xe bao nhiêu tiền, xe thuộc hãng nào. Giá trị của xe ô tô không phải quá nhỏ để đưa ra quyết định nhanh chóng. Chính vì vậy, thời điểm càng cận tết người tiêu dùng càng phải có lựa chọn đúng đắn.
Mẫu Hyundai Santa Fe 2019 đại lý kênh giá 100 triệu đồng. Ảnh TN
Sau Nghị định 116/2017/NĐ-CP được đưa ra, số lượng xe nhập khẩu về Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng còn bức xúc, các đại lý lấy lý do hàng hóa bị khan hiếm, dẫn đến đại lý đội giá lên. Đặc biệt, với dòng xe Hyundai Santa Fe mua xe phải mua phụ kiện lên đến 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, một tin đáng mừng cho những khách hàng đang có nhu cầu mua xe dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 2 tuần đầu tiên của năm 2019 (tính từ ngày 1/1 – 15/1/2019), số lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam đạt 6.362 chiếc, với tổng trị giá gần 158 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2018, ô tô nhập khẩu tăng gấp 135 lần về số lượng. Trong đó ô tô dưới 9 chỗ ngồi chiếm phần lớn với 4.264 xe, tổng trị giá gần 96 triệu USD.
Số lượng xe nhập khẩu về ồ ạt, sẽ khiến cho khách hàng không bị chi phối bởi các đại lý bán 'bia kèm lạc'. Đồng thời, nhiều khách hàng đã phản đối về hình thức này, bằng việc rút tiền cọc đổi sang dòng xe khác hoặc từ chối mua xe khi bị kênh giá. Chưa kể một số dòng xe đang có xu hướng giảm giá như Toyota Innova, Honda Jazz, Honda Accord, Kia Rondo…
Nhiều khách hàng nói không với 'bia kèm lạc'. Ảnh TN
Một thành viên của Hyundai Santa Fe 2019 Club chia sẻ: “Một đại lý đã gọi điện báo giá cho tôi mấy ngày trước là giá phụ kiện lên đến 100 triệu, hôm nay nhân viên bán hàng gọi lại báo giá giảm xuống còn 40 triệu đồng. Nhưng tôi quyết không mua cho đến khi bán đúng giá trị của xe Santa Fe”. Đồng quan điểm này, anh Phạm Nhật cũng cho biết, có đại lý đã giảm giá phụ kiện xuống còn 30 triệu đồng. Nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên trong nhóm nói không với 'bia kèm lạc'. Trong khi đó, giá bán mà Hyundai Việt Nam đưa ra chỉ từ 995 triệu đến 1.245 triệu đồng.
Tháng 10/2018 vừa qua, dòng xe Toyota Rush cũng có tình trạng tương tự. Hầu hết các đại lý trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đều có hiện tượng 'bia kèm lạc', mỗi một xe bán ra đồng nghĩa với việc khách hàng bỏ ra 50 triệu đến 100 triệu phụ kiện. Thậm chí ngay cả mẫu xe bốn chỗ Toyota Wigo dù có xe sẵn giao ngay, khách hàng vẫn phải mua gói phụ kiện đi kèm với giá 10 triệu đồng dù có muốn hay không.
Nhiều khách hàng thắc mắc rằng, việc đặt cọc xe trước khi xe được giao cũng không có lợi thế hơn việc mua trực tiếp khi xe có mặt tại đại lý. Vì lý do 'bia kèm lạc' này mà một số người tiêu dùng bức xúc và bắt đầu tẩy chay các hãng xe.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Đồng cho biết: “Ở Đức không bao giờ có những hiện tượng bán bia kèm lạc như Việt Nam. Đồng thời, khi ký hợp đồng đặt cọc, khách hàng sẽ được giải thích rõ quyền lợi mà mình nhận được. Trong đó, quyền lợi cụ thể nhất: khách hàng đã đặt tiền cọc theo thời gian sẽ phát sinh lãi như tiền gửi ngân hàng".