Chị Nguyễn Thị Vân thắc mắc: “Ô tô đỗ dưới đường nội bộ, không có biển cấm, nhưng công an khu vực giải thích không đỗ xe nếu không có vỉa hè. Xe đỗ trước cửa nhà, đường to đủ 2 làn xe. Thông thường, đường nội bộ thì không ai làm vỉa hè. Vậy xe tôi có bị vi phạm luật giao thông hay không?”.
Nhiều người điều khiển phương tiện giao thông vẫn chưa nắm rõ được các quy định về việc dừng xe, đỗ xe như thế nào cho đúng.
Theo Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định, dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên/xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác; Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
Cần lưu ý các quy định về dừng, đỗ xe sau đây. Ảnh: Internet.
Theo khoản 3 Điều 18 Luật này quy định, người dừng, đỗ xe trên đường bộ phải tuân thủ các quy định sau:
- Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
- Chỉ được rời xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn, nếu xe đỗ chiếm một phần đường phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm phía trước hoặc phía sau để người điều khiển phương tiện khác biết;
- Cho xe dừng đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
- Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;
- Không được mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa đảm bảo bảo các điều kiện an toàn;
- Khi dừng xe không được tắt máy hoặc rời khỏi vị trí lái;
- Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
Khoản 4 điều này cũng quy định, nghiêm cấm dừng, đỗ xe tại các vị trí sau:
- Bên trái đường một chiều.
- Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất.
- Trên cầu, gầm cầu vượt.
- Song song với một xe khác đang dừng, đỗ.
- Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường.
- Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức.
- Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe.
- Trong phạm vi an toàn của đường sắt.
- Che khuất biển báo hiệu đường bộ.
Cũng theo đó, Điều 19 quy định về việc dừng, đỗ xe trên đường phố. Phải cho xe dừng, đỗ theo lề đường, hè phố phía bên phải cách xa không quá 0,25m. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng đỗ xe ở vị trí cách ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20m.
Không được dừng, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe cứu hỏa lấy nước.
Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.
Trường hợp của chị Vân, theo một Công an phường 19 quận Bình Thạnh cho biết: “Trường hợp này phải nêu rõ được xe của chị bị phạt vì lỗi gì. Theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP, là đường nội bộ nhưng nếu có 1 làn đường thì không được dừng, đỗ xe, nhưng ở đây là hai làn rộng. Đồng thời, tại đây không có biển báo cấm dừng, đỗ và nơi không có vỉa hè (lề đường) và đã đỗ xe sát với mép đường thì được dừng, đỗ theo đúng quy định. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý về quy tắc của đường nội bộ tại khu vực đó, vì có thể đặc thù giao thông tại đây mà có những quy định riêng”.
Theo đó, thẩm quyền được xử phạt đối với hành vi dừng, đỗ xe trái với quy định giao thông đường bộ thuộc về CSGT, cảnh sát trật tự, CSCĐ, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, thanh tra giao thông vận tải cũng là lực lượng có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo khoản 1 đến khoản 4 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng quy định về mức xử phạt đối với việc dừng, đỗ xe sai quy định đối với người điều khiển ô tô. Mức phạt có thể giao động từ 100 ngàn đồng đến 1.200 ngàn đồng, tùy vào mức độ vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông.
Cũng theo Nghị định này, tại khoản 3 Điều 6 mức xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy dừng, đỗ xe sai quy định thì sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Ngoài ra, khoản 12 Điều này quy định, bên cạnh việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.