Ngành ô tô đang trở thành ngành nóng trong đào tạo hiện nay vì kinh tế phát triển, thu nhập người dân Việt Nam tăng lên nên dễ dàng mua chiếc xe hơi làm phương tiện vận chuyển.
Ngành công nghiệp ô tô chiếm 3% GDP cả nước và tiếp tục tăng trưởng với tham vọng đạt quy mô 1.000.000 xe vào năm 2030, doanh thu dự kiến 12 tỉ USD/năm, tốc độ tăng trưởng trong 5 năm tới ở mức 10,5%/năm. Và năm 2019, doanh số bán hàng ô tô đã chạm con số kỷ lục gần 400.000 xe.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đông, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường và ngành ô tô, các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam đang “khát” nhân lực ngành công nghệ ô tô, cụ thể là các kỹ sư có kiến thức về cả cơ khí lẫn lập trình ô tô. Doanh nghiệp cũng yêu cầu ứng viên phải có khả năng tự đào tạo để nâng cao chuyên môn, nắm bắt nhanh các xu thế mới trong ngành và có khả năng điều chỉnh linh hoạt đáp ứng yêu cầu riêng của doanh nghiệp.
Ngành công nghệ kỹ thuật ô tô hiện nay đang thu hút các sinh viên theo học.
Vì thế, theo ông Đồng, phát triển đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành cơ khí ô tô là rất cần thiết. Việt Nam cần khuyến khích tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp tức là dạy nghề đi vào lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật. “Ngành này rất cần thợ, vì vậy, Việt Nam cần phát triển nhiều thợ, nhiều sinh viên được đào tạo kỹ sư lành nghề chứ không cần “thầy” nhiều mà thiếu thực tế”, ông Đồng chia sẻ.
Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, cho biết cũng như các trường có khoa ô tô khác, đầu tư vào ngành ô tô rất tốn kém. Vì ngày nay, các hãng xe phát triển nhiều loại động cơ, các hệ thống công nghệ cực kỳ hiện đại.
Sinh viên ngành ô tô đang được các hãng xe, các công ty săn đón.
“Học và nắm vững động cơ là điều kiện tiên quyết của một sinh viên ngành ô tô. Chúng tôi đầu tư nhiều loại động cơ, như động cơ xăng, động cơ dầu đời cũ và mới có phun dầu điện tử, động cơ hybrid, động cơ chạy khí CNG, động cơ điện và động cơ điện plug in”, ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, các sinh viên còn phải học về hệ thống gầm, và hệ thống điện, một lĩnh vực cực khó trong ngành ô tô. Để đảm bảo các em có thể ra làm nghề được ngay nên chúng tôi đầu tư rất nhiều hệ thống máy móc khác, trong đó có cả máy chẩn đoán tự động các bệnh ô tô. Có nghĩa là sinh viên chỉ cần cắm máy này vào là có thể xác định lỗi chính xác mà không cần bung máy, hay mất thời gian tìm nguyên nhân hỏng hóc.
“Đối với ngành ô tô học toàn khoá 3,5 năm khoảng 60 triệu đồng. Nhưng kỹ thuật viên ra trường có ngay việc làm tại các ga ra xe hơi và các hãng xe lớn tại Việt Nam và dễ dàng nhận mức lương bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng. Giả sử sau chi tiêu, họ để dành từ 2-3 triệu/tháng thì chỉ cần 20 tháng đã thu hồi lại tiền học phí. Điều đó có nghĩa rằng, thời gian thu hồi vốn ngắn hơn thời gian học”, ông Hải phân tích.
(PL)- Cần chính sách hỗ trợ phát triển ngành cơ khí chính xác để Việt Nam có thể sản xuất được những bộ phận linh kiện quan trọng của ô tô.