Những ngày cuối cùng của năm 2019 và đầu năm 2020, ngành ô tô đón tin vui khi những chiếc xe thương hiệu Việt Nam được xuất ngoại sang các nước.
Ô tô Việt đua với Thái Lan, Indonesia
Mới đây, tại cảng Chu Lai, ông lớn của ngành ô tô Việt Nam (VN) là Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã tổ chức lễ bàn giao 15 xe buýt thương hiệu BusThaco để xuất khẩu sang Philippines. Đồng thời, công ty này cũng xuất khẩu các lô linh kiện phụ tùng ô tô sang Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đây được xem là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô VN nói chung và Thaco nói riêng trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh. Qua đó, khẳng định khả năng hiện thực hóa chiến lược xuất khẩu ô tô lẫn linh kiện phụ tùng của tập đoàn này.
Trước đó ít ngày, Thaco cũng đã xuất khẩu sang Myanmar 120 xe du lịch Kia Cerato phiên bản Deluxe. Tính chung năm 2019, công ty này đã xuất khẩu được 186 xe, bao gồm 21 xe bus sang Philippines, Thái Lan, Singapore; 33 xe tải sang Campuchia, 121 xe du lịch sang Myanmar, Thái Lan, 11 sơmi rơmoóc sang Mỹ… Kế hoạch năm nay công ty sẽ xuất khẩu 1.026 xe ô tô các loại.
Đại diện Thaco cho biết đã lên kế hoạch xuất khẩu xe sang các nước khác từ lâu, thị trường đầu tiên nhắm tới là khu vực Đông Nam Á. Điều này khá dễ hiểu khi thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô trong khối ASEAN về mức 0% kể từ năm 2018 với điều kiện tỉ lệ nội địa hóa đạt trên 40%.
“Xe Việt xuất khẩu cũng nhận mức ưu đãi thuế nhập khẩu 0% như các xe xuất xứ Thái Lan và Indonesia đang vào VN. Liên quan đến vấn đề này, hiện nay chúng tôi đã đàm phán xong với năm nước gồm Philippines, Thái Lan, Myanmar, Singapore và Campuchia” - đại diện Thaco tiết lộ.
Không chỉ Thaco mà nhiều đại gia ô tô trong nước cũng lên kế hoạch xuất khẩu ô tô. Từ đó, để thương hiệu xe Việt không chỉ được người tiêu dùng trong nước lựa chọn mà dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường nước ngoài. Đơn cử Tập đoàn TC Motor đã quyết định đầu tư một nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô mới tại Ninh Bình, công suất 120.000 xe mỗi năm, với sự hợp tác của Hyundai Motor từ Hàn Quốc.
Bên cạnh tiêu thụ nội địa, TC Motor cũng đang xây dựng khu sản xuất và lắp ráp xe khách, xe bus, trung tâm nghiên cứu và phát triển, khu công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa hướng tới xuất khẩu sang khu vực ASEAN những mẫu xe cỡ nhỏ.
VinFast cũng nuôi tham vọng xuất khẩu ô tô sang khu vực ASEAN và thế giới. Mục tiêu của tập đoàn hướng đến là từng bước đạt được tỉ lệ nội địa hóa 60%.
Lần đầu tiên Việt Nam có những chiếc ô tô mang thương hiệu Việt xuất khẩu qua Philippines. Ảnh: TL
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Đánh giá việc xuất khẩu linh kiện và ô tô là bước đi tích cực đối với ngành ô tô VN nhưng ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia lĩnh vực ô tô, cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề phải làm.
“Xuất khẩu nhưng số lượng xuất khẩu là bao nhiêu, vì số lượng rất quan trọng. Quan trọng hơn nữa là tỉ lệ nội địa hóa mà VN làm được là những bộ phận nào của chiếc xe. Thực tế hiện nay, VN vẫn chưa sản xuất được những bộ phận quan trọng của chiếc xe như động cơ, hộp số, hệ thống nhún… Nhiều bộ phận dù làm được nhưng chất lượng chưa bằng các nước khác” - ông Đồng nói.
Để làm được điều đó, ông Đồng nhấn mạnh VN phải có ngành công nghệ cơ khí chính xác phát triển, được đầu tư bài bản chứ không phải bị bỏ quên như nhiều năm qua. Khi VN làm chủ được công nghệ cơ khí chính xác thì mới có thể nghĩ tới làm được các linh kiện, bộ phận quan trọng của chiếc xe. Từ đó, không chỉ gia tăng giá trị cho doanh nghiệp Việt mà đó còn là bàn đạp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo tiết lộ của Thaco, đến nay công ty đã nâng tỉ lệ nội địa hóa xe bus lên trên 60%, xe tải 40%, xe du lịch bình quân 25%, trong đó một số mẫu xe du lịch đạt trên 40%. |
Đặc biệt, muốn VN xuất khẩu được ô tô lâu dài, bền vững thì trước mắt nên tăng thuế nhập khẩu những linh kiện phụ tùng mà trong nước sản xuất được. Còn đối với các bộ phận mà VN chưa làm được thì nên miễn thuế nhập khẩu.
Bên cạnh đó, VN cần phải học Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia về cách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô để xuất khẩu. “Để được hỗ trợ, nhiều nước yêu cầu các hãng xe phải đạt tỉ lệ nội địa hóa cao. Như vậy, buộc các hãng xe phải đầu tư sản xuất hầu hết các linh kiện, bộ phận quan trọng chiếc xe ngay tại nước họ” - ông Đồng nói.
Đồng quan điểm, ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, cũng cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ hơn nữa đối với công nghiệp hỗ trợ, thậm chí giảm thuế, phí đối với những đơn vị có tỉ lệ nội địa hóa cao. Đặc biệt, cần giảm các loại thuế phí đối với ô tô thì sẽ giảm giá thành, người dân mới dễ mua xe hơn. Thị trường tiêu thụ tăng thì công suất sản xuất ô tô mới tăng, nhiều mẫu xe mới ra đời cạnh tranh, giá xe sẽ hợp lý hơn và hướng tới xuất khẩu.
“Khi ngành công nghiệp ô tô phát triển sẽ lan tỏa sang các ngành khác. Trước mắt, các doanh nghiệp Việt cần liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, nhận chuyển giao công nghệ và tìm thị trường xuất khẩu” - ông Trường nói.
Xuất khẩu ô tô rất có ý nghĩa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng việc xuất khẩu ô tô rất có ý nghĩa bởi nỗ lực của doanh nghiệp được khẳng định và ý nghĩa lớn hơn khi đã đưa tên VN trên bản đồ xuất khẩu ô tô thế giới. Sự kiện này cũng chứng minh kết quả bước đầu theo bước đi vững chắc và bền vững của chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ. “Chiến lược mà Chính phủ và mỗi người dân đều đau đáu mong chờ, hy vọng. Bởi một quốc gia 100 triệu dân với sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu thì không thể không có công nghiệp ô tô để tạo ra sức lan tỏa cho các ngành công nghiệp và nền kinh tế. Chúng ta có nhiều hiệp định thương mại với nhiều thị trường có ưu đãi thuế quan…, cho thấy nếu chúng ta không phát triển thị trường ngoài nước thì chuỗi cung ứng và sản xuất ô tô của chúng ta không thể bền vững” - Bộ trưởng Tuấn nhấn mạnh. Bộ Công Thương mới đây đề nghị một số chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô. Điển hình như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô. Cùng với đó là một loạt ưu đãi đối với những dự án sản xuất, lắp ráp xe dưới chín chỗ; hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ... |