Trao đổi với PLO, Luật sư (LS) Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích về vấn đề này như sau:
Về chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Theo LS Võ Đan Mạch, Khoản 5 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi năm 2020); khoản 2 Điều 9 Nghị định 138/2021 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, có quy định: Người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ bị mất, hư hỏng,... thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
"Như vậy, xe bị hư hỏng là tang vật hoặc phương tiện vi phạm hành chính đang thuộc trách nhiệm quản lý, bảo quản của cơ quan công an ra quyết định tạm giữ, tịch thu. Hay nói cách khác đã có sự chuyển giao trách nhiệm trong việc bảo quản phương tiện từ chủ sở hữu qua cơ quan công an một cách hợp pháp. Do đó, về nguyên tắc, khi các phương tiện bị hư hỏng thì các cá nhân, cơ quan công an có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm bồi thường"- LS Mạch cho hay.
Về căn cứ để bồi thường thiệt hại
Cũng theo LS Mạch, trước hết, cần phải tiến hành xác minh, làm rõ về nguyên nhân hư hỏng xe, thống kê thiệt hại trên thực tế. Sau đó mới có thể đưa ra kết luận chính xác về việc có hay không có căn cứ để chủ sở hữu phương tiện bị tạm giữ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bồi thường thiệt hại.
Theo đó, cơ quan chức năng cần thực hiện các thủ tục cần thiết để xác định một số thông tin như: bãi giữ xe có được trang bị hệ thống các thiết bị bảo đảm an toàn theo đúng yêu cầu, phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Nguyên nhân gây ra hư hỏng xe có xuất phát từ bên thứ ba hay không? Có do có hành vi phá hoại hoặc bất cẩn của cá nhân nào hay không? Có phải do sự kiện bất khả kháng hay không? Kết luận của cơ quan chức năng sẽ là cơ sở để xác định về căn cứ bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng nếu thỏa mãn đủ các điều kiện sau đây:
- Thứ nhất, đó là sự kiện xảy ra một cách khách quan, hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của các bên.
- Thứ hai, sự kiện đó không thể nào lường trước được.
- Thứ ba, không thể khắc phục được hậu quả do sự kiện đó gây ra, dù cho bên có nghĩa vụ đã cố gắng áp dụng hết tất cả mọi biện pháp cần thiết và cho phép trong khả năng của mình.
"Như vậy, nếu nguyên nhân hư hỏng xe là do sự kiện bất khả kháng thì cơ quan công an không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu của xe. Ngược lại, nếu có căn cứ xác định nguyên nhân khiến xe bị hư hỏng là do lỗi của cơ quan công an hoặc của bên thứ ba, cơ quan công an vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu, nhưng sau đó có quyền khởi kiện bên thứ ba yêu cầu bồi thường thiệt hại"- LS Mạch nói.
LS Mạch cho biết thêm: Cạnh đó, để có căn cứ yêu cầu để bồi thường thiệt hại (nếu có cơ sở), chủ sở hữu xe cần có biên bản tạm giữ xe vi phạm, giấy tờ pháp lý thể hiện quyền sở hữu hợp pháp đối với xe, thông tin về tình trạng xe, loại xe, đời xe,... qua đó có cơ sở xác định giá trị tài sản bị thiệt hại.