Xem xét đưa nhóm “người lao động mới” tham gia BHXH

(PLO)- Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã bỏ và điều chỉnh một số quy định liên quan đến mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, chính sách BHXH một lần.

Sau khi tiếp thu ý kiến lần thứ nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) của Chính phủ gửi QH. Trong đó, Chính phủ đã làm rõ và điều chỉnh khá nhiều nội dung trong dự luật so với các lần trình trước.

Xem xét tài xế xe công nghệ tham gia BHXH

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH vào cuối tháng 8-2023 về dự luật trên, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng cần xem xét mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc do hiện có một số mô hình kinh tế mới trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.

P12-thay anh.jpg
Tài xế xe công nghệ cần được đảm bảo an sinh thông qua chính sách BHXH.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo Chủ tịch QH, quan hệ lao động bây giờ rất khác. Trước đây chỉ giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động nhưng giờ là ba bên gồm công ty kinh doanh dịch vụ, công ty nền tảng và NLĐ. “Chẳng hạn như dịch vụ xe công nghệ Grab, Gojek… nên xuất hiện nhóm NLĐ mới, lao động công nghệ, lao động tự do, lao động làm việc từ xa. Vậy có nghiên cứu đưa vào đối tượng tham gia BHXH không?...” - Chủ tịch QH đặt vấn đề.

Theo kết quả khảo sát gần đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, toàn quốc có khoảng 200.000 người lái xe là đối tác của Grab (chưa tính các hãng khác), 50% hành nghề tại Hà Nội và TP.HCM, phần lớn là người ngoại tỉnh.

Thêm vào đó, Thường trực Ủy ban Xã hội và ý kiến của Viện Nghiên cứu lập pháp cũng cho thấy hiện thị trường lao động ở nước ta và xu hướng của nhiều quốc gia đã, đang và sẽ tiếp tục các mô hình kinh tế mới. Đơn cử như kinh tế hợp đồng (Gig), hợp tác, chia sẻ tài chính, chia sẻ công việc...

Các mô hình này làm xuất hiện nhóm NLĐ mới vừa là NLĐ vừa là chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, dự luật chưa thể hiện rõ họ thuộc nhóm đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc hay không, trong khi trên thế giới nhiều nước đã công nhận nhóm này là làm công ăn lương...

Chính phủ cũng nhìn nhận các mô hình trên làm xuất hiện các nhóm NLĐ mới trong xã hội, không nằm trong khuôn mẫu NLĐ truyền thống. Để bảo đảm an sinh xã hội, giúp họ tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH, việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số nhóm tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết.

Tuy vậy, Chính phủ nhận thấy đây là vấn đề mới, phức tạp không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các nước phát triển. Trên thực tế, các nước chưa quy định NLĐ trong nền kinh tế Gig nằm trong diện tham gia BHXH bắt buộc. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để đưa ra khuyến nghị.

“Chính vì vậy, dự luật lần này bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 3 giao Chính phủ quy định việc tham gia BHXH bắt buộc của nhóm này là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện…” - Chính phủ nhấn mạnh.

Bỏ đề xuất không rút một lần được cấp thẻ BHYT

Trong tờ trình vào cuối tháng 8, Chính phủ đề xuất người sau một năm nghỉ việc chọn bảo lưu thời gian đóng, không rút BHXH một lần được cấp thẻ BHYT miễn phí. Thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đóng BHXH.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng đề xuất này cần đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng số người hưởng hiện nay cũng như chi phí, tác động đến cân đối Quỹ BHXH, tính khả thi...

Tiếp thu ý kiến, tờ trình mới của Chính phủ đã bỏ nội dung này, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, xem xét các giải pháp hỗ trợ NLĐ trong thời gian bị mất việc trong quá trình sửa đổi Luật Việc làm. Đặc biệt là các chế độ hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Về nhận BHXH một lần, Chính phủ tiếp tục trình QH hai phương án. Phương án 1 được chia làm hai nhóm. Nhóm 1 là NLĐ tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Nhóm 2, NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ khi dự luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025) không được nhận BHXH một lần. Trừ các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu, ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định.

Phương án 2 cho NLĐ rút một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào hai quỹ Hưu trí, Tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH. So với lần trình trước, phương án 1 có điều chỉnh về thời gian luật có hiệu lực là đầu tháng 7-2025 thay vì ngày 1-1-2025.

Chính phủ không đưa ra quan điểm lựa chọn phương án nào, mà cho rằng đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp. Vì vậy, Chính phủ chỉ đánh giá, phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án và báo cáo xin ý kiến QH.

Chậm đóng BHXH một năm bị hoãn xuất cảnh

Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ đề xuất điều chỉnh lại quy định xử phạt đối với người chậm đóng, trốn đóng BHXH theo hướng sau: Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm