"Hiện chúng tôi đang làm việc, cơ bản là xác định hai người có đánh, hai người này đang được lấy lời khai. Chúng tôi đang củng cố hồ sơ, nếu đủ cơ sở thì sẽ khởi tố và tạm giam. Vụ việc này đã phức tạp từ lâu rồi" - đại diện Công an huyện Bình Chánh nói.
Liên tục vi phạm
Như đã phản ánh, ngày 26-6, TAND huyện Bình Chánh mở phiên xử sơ thẩm vụ tranh chấp lối đi chung giữa ông Nguyễn Văn Nam kiện ông Nguyễn Văn Hiền và bà Trần Thị Em. Tuy nhiên, do nguyên đơn và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt nên HĐXX đã hoãn phiên tòa.
Sau khi HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa thì phía bị đơn gồm hơn chục người rượt đuổi HĐXX, la lối chửi bới ngay tại trụ sở tòa án. Họ đập cửa đòi gặp thẩm phán và chánh án, yêu cầu tòa án phải xét xử.
Ông Lê Trung Kiên (Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh) cho biết vụ việc trên đã được công an huyện lập hồ sơ, đang trong quá trình giải quyết thì hôm nay nhóm người này tiếp tục có hành vi trái pháp luật.
“Nhóm đương sự này quá manh động, dù đã lường trước và chuẩn bị nhiều phương pháp ứng phó nhưng đối tượng bột phát quá nhanh nên lực lượng công an không kịp ngăn cản” - ông Kiên nói.
PV Lê Phong được cán bộ y tế tại phiên tòa sơ cứu sau khi bị tấn công. Ảnh: Báo Người Lao Động
Sáng 23-7, phiên tòa tiếp tục mở, sau khi HĐXX TAND huyện Bình Chánh vừa tuyên án tuyên phía bị đơn thua kiện thì xảy ra sự cố. KSV Nguyễn Văn Lân người tham gia phiên tòa và PV báo Người Lao Động Lê Văn Phong (bút danh Lê Phong) cùng bị đánh.
Một cảnh sát khu vực cũng bị đánh
PV Lê Phong cho biết ngoài anh và KSV Lân bị đánh thì còn có một cảnh sát khu vực tên là Bình trong lúc căn ngăn xảy ra xô xát đã bị phía ông Hiền đánh sưng mắt.
KSV Lân bị tấn công vào mặt. Ảnh: Lê Phong
Anh Phong đã tiến hành cho lời khai và trình bày sự việc tại Công an thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh). Theo anh Phong, khi HĐXX tuyên án xong thì ông Hiền bỏ dép ra khỏi chân rồi lao đến tấn công KSV, đánh vào mặt KSV Lân gây rách da, chảy máu mũi và gãy mắt kính. Sau đó, lực lượng công an đã khống chế và đưa ông Hiền ra khỏi phòng xử.
Một lúc sau, anh ra ngoài thấy những người này vẫn la lối đòi vào phòng xử. Khi anh lấy điện thoại ra tác nghiệp thì bị hai phụ nữ lao đến giật điện thoại không cho anh quay.
Sau đó, một số người khác cùng hai người phụ nữ trên lao đến đòi giật điện thoại để không cho quay và xóa dữ liệu anh đã quay trước đó. Trong lúc giằng co, anh bị những phụ nữ này đánh vào đầu, cào vào mặt, cổ. Anh phải chuyển điện thoại cho một người là cán bộ TAND huyện Bình Chánh giữ giùm. Sau đó, anh được lực lượng cảnh sát hỗ trợ đưa vào phòng nghị án để các nhân viên y tế chăm sóc.
Anh Lê Phong cũng cho biết do thương tích nhẹ và không có nhiều thời gian nên anh không yêu cầu xử lý hình sự, không yêu cầu bồi thường về dân sự và từ chối giám định thương tích.