Xem xét nhiều cơ chế đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng

(PLO)- Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 30 chính sách, cơ chế đặc thù, vượt trội áp dụng cho TP Đà Nẵng cùng với việc tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Tại phiên họp thứ 33 vào chiều 14-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Nhiều cơ chế, chính sách mới

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho hay dự thảo Nghị quyết quy định hai nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách cụ thể. Trong đó có chín chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị, 21 chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng.

Có thể kể đến các chính sách nổi bật như cho phép Đà Nẵng thành lập Sở An toàn thực phẩm. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với chính sách này, bởi việc thành lập Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở thực hiện thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Chính sách này đã được áp dụng tương tự tại TP.HCM, phù hợp với đặc thù của TP du lịch như Đà Nẵng.

Về cơ chế quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp đã được đầu tư công, dự thảo Nghị quyết cho phép Đà Nẵng giao đất, cho thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đây không phải là quy định mới. Tuy nhiên, khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sẽ gây khó khăn, bị động cho Đà Nẵng trong việc quản lý, khai thác các cụm công nghiệp đã đầu tư.

Xem xét nhiều cơ chế đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, tăng thêm nguồn lực cho ngân sách địa phương thì việc quy định như trên là phù hợp. Do vậy, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban TC-NS thống nhất.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định các chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo theo hướng HĐND TP được quyết định đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin từ nguồn ngân sách TP; chương trình dự án được ngân sách TP hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng; quyết định kinh phí hỗ trợ từ ngân sách TP...

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TC-NS nhất trí chủ trương áp dụng chính sách này cho Đà Nẵng.

Tuy nhiên, đối với quy định “hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ cho doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo”, cơ quan này đề nghị cân nhắc để quy định và làm rõ cơ sở, tiêu chí, điều kiện, kết quả của chính sách, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Điều này nhằm tránh việc lợi dụng, tùy tiện gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.

Thí điểm thành lập khu thương mại tự do

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do (TMTD). Thường trực Ủy ban TC-NS cho rằng đây là chủ trương lớn, cần thiết.

xem-xet-nhieu-co-che-dac-thu-vuot-troi-cho-da-nang-2.jpg
Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội quy định 30 cơ chế, chính sách vượt trội nhằm xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong tương lai. Ảnh: TẤN VIỆT

“Đề xuất của Đà Nẵng thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP và của vùng. Đây cũng là mô hình được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới” - báo cáo thẩm tra cho hay.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban TC-NS đề nghị cần lưu ý một số vấn đề đối với khu TMTD. Cụ thể như việc pháp luật hiện chưa có quy định về khái niệm khu TMTD, quy định hướng dẫn việc thành lập, hoạt động khu TMTD mà chỉ quy định khu phi thuế quan được xác định trong quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế.

Để triển khai hiệu quả chủ trương của Bộ Chính trị, Ủy ban TCNS đề nghị quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết một số nội dung như: Khái niệm, mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ; chính sách phát triển và quản lý Nhà nước; Nguồn lực thực hiện; kết quả đầu ra khi thành lập KTMTD, bao gồm tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, tác động đến phát triển doanh nghiệp và tính lan tỏa vùng miền…

Liên quan khu TMTD, dự thảo Nghị quyết cũng quy định bốn chính sách cụ thể. Đó là mức ưu đãi, thời gian miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng; chính sách ưu đãi thuế; chính sách ưu tiên thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp có dự án đầu tư.

xem-xet-nhieu-co-che-dac-thu-vuot-troi-cho-da-nang-3.jpg
Đà Nẵng cần những cơ chế, chính sách vượt trội để xây dựng và phát triển TP trong tương lai. Ảnh: TẤN VIỆT

Cuối cùng là thí điểm cơ chế “một cửa tại chỗ” tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng. Đây là quy định mới về thẩm quyền quản lý Nhà nước nhằm tạo thuận lợi trong giải quyết các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp và được đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TC-NS thống nhất.

Xem xét cho Đà Nẵng chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị

Về thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị, dự thảo Nghị quyết quy định việc thực hiện chính thức từ 1-7-2026.

Căn cứ Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 của Bộ Chính trị về việc giao “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 theo hướng thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng”, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với tờ trình của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định trong Nghị quyết về mục tiêu, yêu cầu và định hướng xây dựng đô thị thông minh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm