Xem xét việc tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020

Sau hai lần thay đổi thời gian kết thúc năm học do dịch bệnh, trước yêu cầu của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đã lên nhiều phương án, tuy nhiên vẫn cân đối làm sao để học sinh có đủ kiến thức, thời gian ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia.

Thế nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, với chất lượng của việc học trực tuyến, nhiều ý kiến cho rằng có nên tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia không.

Không nhất thiết tổ chức thi THPT quốc gia

Giám đốc Sở GD&ĐT một tỉnh Nam Trung bộ chia sẻ, phương pháp học trực tuyến như hiện nay chỉ là một giải pháp tình thế, không hiệu quả bằng việc học trực tiếp.

“Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh nội dung chương trình, tinh giản một số kiến thức nên kỳ thi này nếu tổ chức chắc chắn chất lượng sẽ không bằng các năm trước. Với tình hình hiện nay nên dừng kỳ thi và tổ chức xét tốt nghiệp” - vị này cho biết.

Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, Luật Giáo dục do Quốc hội ban hành ngày 14-6-2019 (khoản 3 Điều 34) quy định rất rõ: Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định của bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT.

“Như vậy, học sinh THPT hoàn thành chương trình, đủ điều kiện thì được dự thi nhưng không bắt buộc phải là kỳ thi do ai tổ chức. Luật không quy định phải là “kỳ thi THPT quốc gia”. Các địa phương sẽ phân công cơ quan chuyên môn cấp bằng tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc tính đến chuyện bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2020 là hợp lý” - TS Lý nói.

Học sinh Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, TP.HCM đang học bài tại nhà. Ảnh: NTCC

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia chắc hẳn sẽ được đồng tình. Tuy nhiên, quan trọng là bức tranh sau khi bỏ kỳ thi này sẽ như thế nào.

Bởi theo TS Nghĩa, nếu điều này xảy ra, tuyển sinh của các trường đại học có vẻ dễ dàng hơn. Thế nhưng trong bối cảnh sẽ có rất nhiều học sinh được xét tốt nghiệp loại giỏi, dần dần các trường tốp trên sẽ bối rối không biết tuyển như thế nào. Bức tranh tuyển sinh có thể khác đi một chút so với trước khi thi ba chung (năm 2002) là có thể một số kỳ thi riêng quy mô lớn như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được sử dụng cho nhiều trường đại học khác, đỡ bớt cảnh nháo nhào trong thi tuyển đại học như trước năm 2002…

Tuy nhiên, TS Nghĩa cũng lo ngại Quyết định 522 của Thủ tướng về phân luồng sau THCS và sau THPT sẽ bế tắc như bao quyết định tương tự trước đó. Ngoài ra, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục coi như chấm dứt, không thể đánh giá được chương trình giáo dục phổ thông mới có đạt mục tiêu, hiệu quả ở cấp quốc gia hay không.

Tại buổi giao ban báo chí trực tuyến chiều 10-4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết hiện học sinh không đến trường nhưng không nghỉ học, 63/63 tỉnh, thành đều đã tổ chức học trực tuyến, học qua truyền hình.

“Nếu học sinh có thể đến trường sau ngày 30-5 và chậm nhất là trước ngày 15-6 thì biên chế năm học vẫn theo lịch, học sinh vẫn còn thời gian ôn tập 1-2 tuần sau khi kết thúc năm học, kỳ thi THPT vẫn được tổ chức. nhưng nếu muộn hơn ngày 15-6, chúng tôi sẽ phải báo cáo Chính phủ và Quốc hội để có phương án” - ông Độ cho biết. 

Xây dựng một số kịch bản khác nhau về kỳ thi

“Về thi THPT quốc gia, bộ cần xây dựng nhiều kịch bản khác nhau phù hợp với tình hình hiện tại” - ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức (tp. hcm), nhấn mạnh.

Theo ông Bình, nếu đến giữa tháng 4 học sinh có thể đi học lại thì kỳ thi THPT quốc gia diễn ra như dự kiến. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh tiếp tục nghỉ học đến tháng 5 thì cần điều chỉnh bằng cách giảm môn thi hoặc xét tốt nghiệp. Khi đó, tuyển sinh đại học sẽ có kịch bản riêng như xét học bạ, thi đánh giá năng lực hoặc bài thi chỉ gồm các môn theo khối xét tuyển.

Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường dân lập nổi tiếng tại Hà Nội cũng cho rằng Bộ GD&ĐT nên xây dựng nhiều kịch bản khác nhau để ứng phó với dịch COVID-19.

Nếu học sinh nghỉ học hết tháng 4 thì các kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh vào lớp 10 không được quá ba môn và phải công bố trong tháng 4. Nếu học sinh tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 5 thì không nên tổ chức thi THPT quốc gia mà xét tốt nghiệp. Trong bối cảnh một kỳ thi vừa đảm bảo đánh giá tốt nghiệp, vừa tuyển sinh đại học sẽ quá khiên cưỡng với tình hình năm nay.

Không bị động trong bất cứ diễn biến nào của dịch

Trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và sự chủ động của bộ, Cục Quản lý chất lượng đã xây dựng một số kịch bản khác nhau về kỳ thi THPT để phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19.

Bộ có thể khẳng định sẽ không bị động trong bất cứ diễn biến nào của dịch bệnh. Còn hiện nay, trong khi bộ chưa công bố phương án nào khác, các nhà trường và học sinh căn cứ vào đề tham khảo mà bộ vừa công bố để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm