Ngày 13-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội liên quan tới vấn đề xử lý nợ đọng thuế. Nợ này bao gồm tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất, kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Sẽ xóa gần 28.000 tỉ đồng
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31-12-2017 là 78.466 tỉ đồng. Tổng số tiền dự kiến được xóa nợ và không tính tiền chậm nộp của việc ban hành nghị quyết khoảng 27.753 tỉ đồng.
Theo đó, xóa nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp còn nợ đến trước ngày 1-1-2019 và không tính tiền chậm nộp phát sinh kể từ ngày 1-1-2019 đến ngày Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực thi hành của người nộp thuế gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, bị bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác. Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định với bốn trường hợp “bất khả kháng khác”.
Về thẩm quyền, bộ trưởng Tài chính quyết định xóa nợ đối với doanh nghiệp và tổ chức nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp từ 5 tỉ đồng trở lên. Trường hợp đặc biệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi quyết định việc xóa nợ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ đối với trường hợp từ 1 tỉ đồng đến dưới 5 tỉ đồng. Cục trưởng Cục Thuế, cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ với trường hợp dưới 1 tỉ đồng.
Đối với hộ gia đình, cá nhân, chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quyết định xóa nợ tiền thuế và các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước trên cơ sở hồ sơ đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế.
Đại diện Bộ Tài chính trình bày dự thảo nghị quyết về xử lý nợ thuế. Ảnh: TN
Cân nhắc với doanh nghiệp nhà nước
Đồng ý về sự cần thiết phải ban hành nghị quyết nhưng Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu băn khoăn về dự thảo.
Với quy định không tính tiền chậm nộp với “người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký...”, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng sẽ có kẽ hở. Người nộp thuế sẽ lợi dụng, bỏ địa điểm kinh doanh đã đăng ký và chuyển trụ sở sang địa điểm kinh doanh ở địa bàn khác hoặc có thể thành lập pháp nhân mới để trốn thuế. Khi cơ quan nhà nước phát hiện, đề nghị truy thu vẫn chỉ bằng số thuế khi bỏ địa chỉ kinh doanh. “Đề nghị cân nhắc việc xóa nợ hoặc miễn thu tiền chậm nộp đối với các trường hợp này” - đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói.
Về thẩm quyền, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị bỏ trường hợp đặc biệt “báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi bộ trưởng Tài chính quyết định” mà giao hẳn cho bộ trưởng Tài chính quyết định xóa nợ đối với số tiền thuế nợ từ 10 tỉ đồng trở lên. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan xóa nợ đối với số tiền thuế nợ từ 5 tỉ đồng trở lên đến dưới 10 tỉ đồng và bỏ thẩm quyền xóa nợ của cục trưởng Cục Thuế, cục trưởng Cục Hải quan...
Cơ quan thẩm tra đề nghị cần cân nhắc việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước vì hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng đây là nghị quyết đặc thù, nhạy cảm, có phạm vi rộng, tác động khá lớn đến nguồn thu ngân sách và sự công bằng giữa các đối tượng, tâm lý của người nộp thuế nên cần rà soát, nghiên cứu thận trọng, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội để xem xét, quyết định vào tháng 10 tới.