Ngày 22-8, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT).
Cần điều chỉnh tiêu chí
Tại hội thảo, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định hiện hành, tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng để được đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước phải đạt một trong các tiêu chuẩn: Đã được giải vàng, giải A hoặc giải nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VH-TT&DL tổ chức. Hoặc đã được giải thưởng cao nhất của Hội VHNT chuyên ngành trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT quốc tế.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cho rằng quy định về huy chương vàng, giải thưởng là bất cập. “Đời sáng tác mỹ thuật nhiều lắm là 20 năm, diễn ra bốn triển lãm cấp quốc gia (năm năm/ lần), không phải dễ có được huy chương vàng vì nhiều triển lãm không tìm ra huy chương vàng. Trong khi đó, nếu so với sân khấu, mỗi lần hội diễn sân khấu là mấy chục huy chương. Chưa kể hội diễn sân khấu diễn ra định kỳ 2-3 năm/lần. Ngoài ra, có những ngành của mỹ thuật như tượng đài không chấm huy chương. Vì vậy nếu áp dụng tỉ lệ huy chương, giải thưởng cho tất cả chuyên ngành là không công bằng. Không thể cho tất cả các ngành VHNT vào một giỏ được”.
Nhạc sĩ Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VT
Đồng quan điểm, nhạc sĩ Vũ Tự Lân khẳng định nếu xét giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước mà căn cứ vào giải thưởng A, B thì làm khó nhiều nghệ sĩ. Nhạc sĩ nhấn mạnh: “Ví dụ có nhạc sĩ rất xứng đáng được giải thưởng nhưng không đủ tiêu chuẩn xét vì không đủ giải thưởng. Cần năm giải thưởng nhưng ông chỉ có ba. Hội Nhạc sĩ đã kiến nghị vấn đề này và trong lần xét giải năm 2016 vừa rồi, chúng tôi vẫn bỏ phiếu cho nhiều nhạc sĩ dù không đủ tiêu chuẩn về giải thưởng. Vì có tác giả sống trong thời chống Pháp, để lại nhiều tác phẩm tiêu biểu và xứng đáng nhưng lại không có các cuộc thi để có giải thưởng”.
Cùng chung quan điểm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, khẳng định: “Thực tế của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, nếu trong đợt xét giải thưởng vừa qua, áp dụng tiêu chí HCV, giải thưởng thì Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh không có ai được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước. Nhờ có điều chỉnh của Thủ tướng nên về nhiếp ảnh có năm tác giả được giải thưởng. Vì vậy, tiêu chí về giải thưởng, huy chương cần được nghiên cứu điều chỉnh”.
Tỉ lệ phiếu gây khó khăn
Một vấn đề khác cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp đó là quy định tỉ lệ phiếu đồng ý của hội đồng các cấp phải đạt 90% mới được trình lên cấp cao hơn. Theo nhiều đại biểu, quy định này là quá khó khăn.
Ông Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng: “Khi xét giải, tỉ lệ 90% số phiếu là quá cao. Đừng để một người nắm phiếu quyết định, chỉ một người không bỏ phiếu là “chết””. Từ đó ông Sơn đề nghị tỉ lệ xét giải nên để là 75%.
Báo cáo tại hội thảo, Bộ VH-TT&DL cho biết trong đợt xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2016, Bộ có nhận được một số đơn thư, kiến nghị. Tất cả thông tin kiến nghị liên quan đến tác phẩm, cụm tác phẩm, về tác giả có hồ sơ đề nghị xét tặng các giải thưởng đều được kiểm tra, rà soát, xác minh kịp thời; minh bạch; không để tình trạng cứ có đơn thư là để lại hồ sơ. |
Chung quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho rằng tỉ lệ 90% là quá cao. “Nhiều người lên vòng Hội đồng Nhà nước rồi mà vì thiếu một phiếu lại trượt” - bà Ngát khẳng định.
Đại diện lĩnh vực điện ảnh, bà Ngát cũng kiến nghị lâu nay việc xét giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước lĩnh vực biên kịch - lý luận - phê bình điện ảnh toàn gửi sang Hội Nhà văn Việt Nam xét.
Tuy nhiên, Hội Nhà văn Việt Nam lại không có nhiều người hiểu về biên kịch - lý luận - phê bình nên toàn bỏ qua. Vì thế, nhà biên kịch Hồng Ngát mong muốn việc xem xét hồ sơ ở lĩnh vực này nên để cho Hội Điện ảnh xem xét vì “người ta làm việc sâu sát với nhau nên hiểu ai như thế nào, bỏ phiếu dễ dàng hơn”.
Cùng với việc giảm tỉ lệ dưới 90% thì nhiều đại biểu cho rằng cần nâng cao chất lượng của hội đồng cấp nhà nước. Hiện nay, 28 thành viên của hội đồng này thuộc nhiều bộ, ngành và các chuyên ngành khác nhau, trong đó có cả Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Theo nhiều đại biểu, thành viên của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nên nằm trong hội đồng cơ sở vì chức năng chủ yếu là xét về nhân thân.
Danh hiệu giáo sư của Ngọc Sơn là “sự hoan hỉ tối tăm” Bên lề hội thảo, nhà văn Chu Lai đã bày tỏ quan điểm về danh hiệu “giáo sư âm nhạc” của ca sĩ Ngọc Sơn. Theo đó, ông cho rằng đó là việc hết sức tùy tiện: “Chúng ta đang lạm phát thuật ngữ danh hiệu ghê quá. Tình trạng này phổ biến sẽ dẫn đến chuyện “chợ trời" danh hiệu. Đây là sự hoan hỉ rất tối tăm, nó thúc vào những giá trị văn hóa của mình một cú hài hước. Thậm chí nó còn gây ra sự cáu kỉnh và phẫn nộ. Việc một ca sĩ hát nhạc bolero, tai tiếng kha khá, chưa có một công trình xán lạn nào… bỗng nhiên được “phong tặng” sáng láng giữa trời là “giáo sư âm nhạc” thì đó là một sự hài hước không thể chấp nhận được. Và như thế các giáo sư khoa học, các nhà nghiên cứu sẽ cảm thấy chạnh lòng. Họ sẽ cảm thấy hóa ra cả cuộc đời mình nỗ lực và kham khổ để tiến tới đỉnh cao về trí tuệ trở thành hài hước, trở thành trò cười, trở thành “chợ trời” hết”. |