“Đột xuất” vì trong thời gian qua nổi lên chuyện lùm xùm trong việc xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về VHNT. Đó là chuyện vợ cố nhạc sĩ Thuận Yến khiếu nại tại sao tên nhạc sĩ đã bị gạt khỏi giải thưởng Hồ Chí Minh, trong khi trước đó tên ông đã được ghi danh xét tặng. Cả việc các cố thi sĩ Thu Bồn, Xuân Quỳnh cùng một số nhạc sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian… cũng không được xét tặng giải thưởng mà trước đó họ đã được đề xuất. Bởi theo điều lệ, các văn nghệ sĩ muốn được xét trao giải, trước đó họ “phải có giải thưởng của một hội VHNT” nào đó rồi mới được xem xét.
Vấn đề nghe có vẻ hơi kỳ cục nhưng các “quan” văn nghệ bảo rằng như vậy mới đúng quy trình. Chuyện lùm xùm tới tai Thủ tướng và ông đã chỉ thị Bộ VH-TT&DL kiểm tra, nếu quy trình bất hợp lý thì điều chỉnh lại. Bởi trước đó có lẽ Thủ tướng đã nghe báo cáo hoặc đã đọc trên báo chí phản hồi của nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có vài lãnh đạo Hội. Rằng nhiều văn nghệ sĩ cây đa cây đề, có nhiều đóng góp cho VHNT nước nhà, đóng góp nhiều công sức góp phần xây dựng đất nước nhưng chưa từng tham gia cuộc thi nào, chưa từng tham dự giải thưởng nào. Nhiều văn nghệ sĩ khi viết, vẽ - nhất là trong thời kỳ chiến tranh - chẳng ai nghĩ đến giải thưởng này, huy chương nọ. Nay hầu hết họ đã cao tuổi, nhiều người đã qua đời mà còn đòi hỏi họ hay gia đình họ phải nộp những cái giải thưởng gì gì đó thì thật buồn cười. Những văn nghệ sĩ tài hoa như Thuận Yến, Thu Bồn, Xuân Quỳnh… (tất cả đã ra người thiên cổ) với sự nghiệp VHNT lẫy lừng để lại đã đi vào lòng hàng triệu trái tim thì đó còn hơn những giải thưởng, những huy chương, huy tượng từ những cuộc thi nào đó. Điều đáng buồn là có mấy vị “quan” văn nghệ đã nhiều năm lãnh đạo các hội VHNT, hầu hết có chân trong ban xét duyệt các giải thưởng, sao không nhìn thấy những quy định, quy trình bất hợp lý trong việc xét tặng các giải thưởng danh giá ấy mà đề xuất thay đổi? Để đến khi Thủ tướng chỉ đạo thì các vị chủ tịch Hội Nhạc sĩ, Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Văn nghệ dân gian mới vội vàng bổ sung các “giấy chứng nhận giải thưởng” cho các văn nghệ sĩ vừa “trượt” giải vừa qua cho hợp quy trình? Như Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa bổ sung “giấy chứng nhận giải thưởng” cho tác giả Đoàn Hữu Công (Thuận Yến); hay Hội Văn nghệ dân gian bổ sung “giấy chứng nhận giải thưởng” cho ba tác giả Trần Lâm Biền, Hoàng Anh Nhân và Ngô Đức Thịnh. Trong khi các tác giả này vốn là những giáo sư, nhà nghiên cứu đầu ngành nổi tiếng!
Việc xét tặng các giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực VHNT cho các tác giả là giải thưởng trọn đời, công nhận sự đóng góp to lớn của họ cho nền VHNT nước nhà, rất cần một hội đồng gồm nhiều người có tâm và có tầm, chỉ chú trọng đến tài năng và đạo đức các tác giả để đề xuất xét tặng chứ không nên dàn hàng có tính mặt trận, bè phái. Như giải Nobel Văn học, trên bình diện thế giới, được trao cho tác giả có tác phẩm xuất sắc, nhân bản có thể mang lại sự thay đổi cho nhân loại. Các nhà tuyển trạch giải Nobel họ cất công đi tìm trong các nền văn học khắp thế giới để đưa về xét tặng mà không cần biết người đó quốc tịch gì, ai có giải thưởng gì, ở đâu hay chưa. Dĩ nhiên vẫn có những thiên kiến chủ quan nhất định trong việc xét tặng - mà vấn đề ngôn ngữ thể hiện là hết sức quan trọng.