Vụ án này khi bị phát hiện đã gây xôn xao dư luận khi thầu phụ chấp nhận thi công Dự án với giá chỉ bằng một nửa giá trúng thầu, nửa còn lại sử dụng để hối lộ nhà thầu chính.
Điều đáng nói, Dự án ở đây chính là dự án Nạo vét luồng Hòn Gai - Cái Lân là 1 trong 3 công trình nạo vét, duy tu luồng hàng hải lớn nhất trong năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Đây là công trình duy tu hàng năm, sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư.
Để được trúng thầu gói công trình này, hai lãnh đạo cao nhất của Công ty Tân Việt đã đồng ý “cắt” 50% giá trị hợp đồng nhằm hối lộ đối tác.
Trước đó, trong ngày xử đầu tiên, phiên tòa tập trung vào phần công bố nội dung bản cáo trạng. Dự kiến vụ án sẽ được xét xử trong ba ngày.
Các bị cáo tại tòa
Hối lộ 50% giá trị hợp đồng để được trúng thầu
Theo cáo trạng, năm 2013, Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải, trong đó có việc duy tu, nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân, Cục Hàng hải Việt Nam được giao làm chủ đầu tư. Ba nhà thầu được lựa chọn để thực hiện kế hoạch, trong đó có Vinawaco.
Vinawaco tiếp tục giao cho phòng Kế hoạch thị trường (Phạm Đình Hòa làm trưởng phòng) và Ban điều hành các dự án nạo vét phía Bắc (Hồ Thành Nghĩa làm giám đốc) đàm phàn, tham mưu ký các hợp đồng thuê thiết bị thi công.
Quá trình đấu thầu, công ty Tân Việt đã kí kết với Ban điều hành các dự án nạo vét phía Bắc hợp đồng trị giá 4,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, để trúng được gói thầu này, Trịnh Văn Thắng (giám đốc) và Vũ Thanh Huyền (chủ tịch HĐQT) đã thỏa thuận sẽ “cắt” 50% giá trị hợp đồng để hối lộ cho Hòa và Nghĩa.
Thực hiện đúng thỏa thuận, sau khi được Vinawaco thanh toán số tiền 3,7 tỉ đồng (còn nợ hơn 800 triệu), Thắng và Huyền đã chuyển lại cho Nghĩa 1,2 tỉ đồng. Nghĩa giữ lại 100 triệu đồng và đưa cho Hòa 1,1 tỉ đồng còn lại.
Hành vi của Nghĩa và Hòa bị truy tố về tội nhận hối lộ; Huyền và Thắng bị truy tố về tội đưa hối lộ.
135 chuyến đổ thải, chỉ 11 chuyến... đúng vị trí
Ngoài gói thầu trị giá 4,6 tỉ đồng, công ty Tân Việt tiếp tục kí thêm hợp đồng “cấp hai” trị giá 9,4 tỉ đồng với công ty Bảo Quân (công ty này trúng thầu nhưng không có phương tiện thi công). Theo thỏa thuận, vị trí đổ thải cách nơi nạo vét từ 43-50km.
Để thi công hai gói thầu nói trên, Công ty Tân Việt đã thuê phương tiện nạo vét và vận chuyển đổ thải của 5 công ty khác. Tuy nhiên, nhằm gian lận để ăn chênh lệch, Huyền thỏa thuận với 5 công ty đổ thải tại các vị trí không đúng theo thiết kế, cự ly vận chuyển chỉ từ 2-50km.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định trong số 135 chuyến đổ thải của công ty Tân Việt thì chỉ có 11 chuyến được đổ đúng vị trí thiết kế.
Bằng việc tổ chức đổ thải sai vị trí, sử dụng hồ sơ thi công không đúng để được nghiệm thu và thanh toán, Huyền cùng Thắng đã chiếm đoạt của Vinawaco số tiền gần 7,9 tỉ đồng. Do đó, cả hai bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến hành vi trên, một loạt các cán bộ thuộc Tổ tư vấn giám sát (Ban Quản lý dự án hàng hải II, Cục Hàng hải Việt Nam) cũng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, dù đã lắp đặt các thiết bị quản lý GPS, bộ đàm VHF, bố trí tư vấn giám sát ở vị trí thuận lợi, ghi chép “Nhật ký thi công”,... để quản lý và giám sát quá trình thi công nhưng các cán bộ này vẫn “không phát hiện và xử lý được” việc đổ thải sai vị trí.
Hối lộ cả phóng viên để được bỏ qua sai phạm Bản cáo trạng cũng nêu rõ, do bị ông N.H.N (phóng viên báo Thanh niên) phát hiện việc thi công đổ thải sai vị trí, Huyền và Thắng đã nhiều lần “tha thiết” gặp và đưa tiền để không đăng tin. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định hai bị can này đã hai lần đưa tiền cho ông N., gồm 1.000 USD cùng 500.000 đồng và 20 triệu đồng. Trong đó, khi cả hai đang hối lộ số tiền 20 triệu đồng thì bị bắt quả tang. Đối với việc gặp, nhận tiền từ Huyền và Thắng, ông N. đã chủ động báo cáo với các cơ quan chức năng và nộp lại số tiền đã nhận. |